Việc một phụ nữ ở Hải Phòng đến viện xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Sáng 5/10, VnExpress đăng tải bài viết về một người phụ nữ tên Linh (tên đã được thay đổi) 30 tuổi ở Hải Phòng đến viện xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân. Lúc đầu, các bác sĩ không đồng ý và khuyên cô nên suy nghĩ lại.
Tuy nhiên, sau nhiều lần đến viện bày tỏ nguyện vọng và đặc biệt có sự đi cùng của mẹ ruột, các bác sĩ đã tiến hành thụ tinh nhân tạo cho chị Linh từ trứng tự thân và tinh trùng hiến.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trung tâm thường xuyên được các chị em phụ nữ mong muốn làm mẹ đơn thân muốn gửi gắm và xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ không muốn lập gia đình nhưng họ sẵn sàng sinh con cho riêng mình và thường tìm tới các trung tâm hỗ trợ sinh sản để xin tinh trùng. Đa số chị em với tâm lý không muốn ràng buộc về mặt pháp lý.
Ngay khi được chia sẻ, câu chuyện này dấy lên những luồng tranh cãi dữ dội trong dư luận.
Nhiều người cho rằng làm mẹ đơn thân sẽ rất vất vả và đứa trẻ lớn lên chịu nhiều thiệt thòi. Thử nghĩ xem, khi đứa trẻ đi học xung quanh bạn bè chúng đều có bố còn nó thì không? Hay khi con hỏi về bố mẹ đơn thân sẽ trả lời thế nào?
Tôi có một cô bạn là mẹ đơn thân, không phải bất đắc dĩ mà cô ấy chọn lựa. Đứa bé không phải là kết quả của cuộc tình chóng vánh hay đổ vỡ, cũng chẳng phải là sự bồng bột của tuổi trẻ. Đứa trẻ ra đời vì cô ấy cần nó, yêu thương nó và chọn lựa nó. Quan trọng hơn là cô ấy muốn làm mẹ và đã làm mẹ ở tuổi 25, không phải quá trẻ nhưng ở độ tuổi ấy, ít ai dám từ bỏ những khát vọng, ước mơ và cuộc vui bên đời để chịu một thứ ràng buộc khó khăn hơn nhiều việc lập gia đình. Thế nhưng, khi đứa bé bắt đầu đi học, những buổi chiều đón con từ trường về, con bé đã biết gọi từ “bố” và cô ấy đau lòng không biết nói thế nào. Làm sao không đau lòng khi bé hỏi sao ba không về, sao ba không gọi điện thoại.
Một đứa trẻ thiếu hụt tình thường, sự chăm sóc của người bố chắc chắn sẽ thiệt thòi hơn những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Tuy nhiên, việc kết hôn thì chẳng ai làm một mình được. Làm mẹ đơn thân đôi khi là sự lựa chọn cuối cùng khi phụ nữ không còn cách nào khác. Có thể họ đã cố mở lòng, cố gắng tìm kiếm, hẹn hò với đàn ông rồi nhưng cuối cùng họ vẫn không tìm thấy người khiến họ tin tưởng thì sao?
So với cách thụ tinh tự nhiên thì thụ tinh nhân tạo có chi phí đắt đỏ hơn nhiều, cũng không đảm bảo tỉ lệ 100% thành công. Việc người phụ nữ đi xin tinh trùng hiến tặng đâu có vi phạm pháp luật hay đạo đức gì mà phải chỉ trích? Ít ra người ta không phá hoại gia đình người khác, không lên giường với đàn ông, không muốn ai phải chịu trách nhiệm chỉ vì muốn có một đứa con.
Bên cạnh đó, cũng có những phụ nữ thật sự không có nhu cầu kết hôn. Có thể đời sống hôn nhân áp lực khiến họ ngán ngẩm, không muốn bước chân vào. Tại sao họ phải chung sống với một người đàn ông cả đời chỉ vì muốn có một đứa con?
Tuy nhiên, nếu việc làm mẹ đơn thân chủ động phát triển thành xu hướng cũng có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội về sau như vấn đề huyết thống sau này của người hiến tặng và người được tặng.
Nếu người phụ nữ chỉ có nhu cầu làm mẹ mà không muốn kết hôn thì việc nhận con nuôi cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Bởi còn rất nhiều đứa trẻ mồ côi cần được chăm sóc, nếu một người đang muốn có con nhận nuôi chúng thì vừa tốt cho mình lại tốt cho đời. Những đứa trẻ sẽ rất biết ơn người đã nuôi dưỡng chúng. Sự gắn kết bền chặt của tình mẫu tử ấy, có khi còn hơn cả 'một giọt máu đào' mà người ta chật vật để sinh ra.