Cha mẹ hãy lưu ý rằng, một số câu hỏi tưởng bình thường thực tế lại gây ảnh hưởng không tốt đến con. Có những câu cha mẹ tốt nhất không nên hỏi.
Bố mẹ nào cũng luôn muốn biết con đã trải nghiệm những gì trong một ngày đến trường. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh khi đón con thường hỏi một loạt theo mô-tip chuẩn bị sẵn như “Hôm nay con đi lớp có ngoan không?'', ''Con ở lớp ăn gì'', ''Con thích cô giáo nào nhất''… khiến hầu hết mọi đứa trẻ bối rối và không biết trả lời ra sao.
Tuy nhiên, cha mẹ hãy lưu ý rằng, một số câu hỏi tưởng bình thường đó thực tế lại gây ảnh hưởng không tốt đến con. Có những câu cha mẹ tốt nhất không nên hỏi.
Hôm nay con học gì ở trường mẫu giáo?
Với câu hỏi này, cha mẹ nên đặt tâm trạng của mình vào những đứa trẻ. Thử nghĩ xem, nếu có ai hỏi hôm nay ở công ty bạn làm được những gì trong vòng 8 tiếng làm việc thì bạn sẽ trả lời như thế nào?
Cha mẹ nên nhớ rằng, trẻ mới bước vào trường mẫu giáo rất khó trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng vì khả năng ngôn ngữ của trẻ còn rất hạn chế. Nếu bạn yêu cầu trẻ giải thích rõ ràng sẽ rất căng thẳng cho trẻ, khi trẻ thấy rằng mình cần phải báo cáo với bạn mỗi ngày, trẻ sẽ chán học.
Cô giáo có phê bình con không?
Khi con mới đi học mẫu giáo, các bé cảm thấy rất xa lạ với mọi thứ và mọi người trong trường, khi đó nơi bám víu duy nhất của trẻ chính là các cô giáo. Thế nhưng, một khi bạn đặt câu hỏi này, trẻ sẽ nhận ra rằng giáo viên thật tồi tệ và sẽ chỉ trích mình, một số trẻ sẽ có tâm lý sợ hãi nhất định đối với giáo viên và làm tăng gánh nặng tâm lý của trẻ.
Là cha mẹ, để trẻ tin tưởng và yêu mến giáo viên thì nên khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn với giáo viên thay vì khiến trẻ sợ hãi trước giáo viên.
Có ai bắt nạt con trong trường mẫu giáo không? hoặc “Hôm nay ai đánh/ cấu con phải không?”
Làm cha mẹ ai cũng sẽ lo lắng việc con mình bị bắt nạt, nên sẽ thường xuyên hỏi trẻ câu này. Tuy nhiên, đối với một đứa trẻ, sự hiểu biết về từ “bắt nạt” còn mơ hồ, nghĩ rằng chỉ cần bản thân làm mình không hài lòng là “bắt nạt”.
Khi trẻ mới đi mẫu giáo, việc thiếu kinh nghiệm tương tác có thể dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Hay ngay cả việc chơi đùa, tranh giành trò chơi cũng có thể khiến các con có mâu thuẫn, nhưng chúng không hề có ác cảm với nhau. Vì vậy hãy cho con có không gian riêng và tự giải quyết các vấn đề của mình.
Tạm kết
Các chuyên gia chỉ ra rằng, thay vì hỏi những câu hỏi này, bố mẹ nên để con thoải mái nói chuyện, phát triển suy nghĩ bản thân. Bố mẹ có thể hỏi những câu như thế này: “Hôm nay chuyện gì làm con vui nhất?”, “Tại sao con lại vui như thế?”, “Hôm nay con chơi trò gì với bạn?”, “Hôm nay có điều gì thú vị mà con đã nhìn hoặc nghe thấy?”, “Bạn tốt của con là ai, cậu bé hay cô bé có ưu điểm gì?”,…