Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Lỗ hổng ở đâu, ai chịu trách nhiệm?

“Ai chịu trách nhiệm vụ ngộ độc pate Minh Chay?” – đó là câu hỏi đã được phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4-9. Khi vụ ngộ độc xảy ra khiến hàng chục bệnh nhân nhập viện, các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, song người dân vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Lúc này, vấn đề có hay không sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm lại được đặt ra.

Người tiêu dùng lĩnh hậu quả

Ngày 18-9, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 bệnh nhân rất nặng vào cấp cứu (là vợ chồng ở Hà Nội) do ngộ độc độc tố Botulinum. Cả 2 vợ chồng này đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (Đông Anh, Hà Nội), vì thế Bệnh viện Bạch Mai đã lập tức báo cáo lên Cục An toàn thực phẩm (ATTP) và Bộ Y tế. Nhận được thông tin, Cục ATTP có Công văn hỏa tốc đề nghị Chi Cục ATVSTP thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin và trực tiếp làm việc với Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị liên quan. Sau khi có thông tin chính thức, sáng 29-8, Cục ATTP đã đăng thông tin cảnh báo trên website Cục (www.vfa.gov.vn), đồng thời có văn bản gửi cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đề nghị rà soát, giám sát, thu hồi sản phẩm pate Minh Chay, thông báo rộng rãi để người dân không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Đến lúc này, qua rà soát cho thấy, trong thời gian 1 tháng trước đó (từ 13-7 đến 18-8-2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị. Cụ thể tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (2 ca) với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…. Các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, trong đó 5/9 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng. Riêng với trường hợp 2 vợ chồng điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã phải liên hệ khẩn với các cơ quan liên quan và nhập được 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan (với giá lên tới 8.000 USD/lọ) để truyền kịp thời.

Vài ngày qua, tại Hà Nội tiếp tục có thêm khoảng 20 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi sử dụng pate Minh Chay đến các bệnh viện thăm khám. Tại phía Nam, ngày 3-9, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng có báo cáo về việc tiếp nhận chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng pate Minh Chay (6 bệnh nhân chuyển từ các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu). Như vậy, đến thời điểm này, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được lỗ hổng trong quản lý thì hơn ai hết, những người tiêu dùng sản phẩm đã phải lĩnh hậu quả. Số bệnh nhân nhập viện có thể còn tăng lên do gần 12.000 khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (do công ty khai báo). Nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nếu không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc thì không thể khắc phục được và cũng không thể tránh được tình trạng tái diễn những vụ việc tương tự.

Mẫu sản phẩm pate Minh Chay được người nhà bệnh nhân mang đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)

Quản lý có vấn đề?

Trở lại với câu hỏi “Ai là người chịu trách nhiệm trong vụ ngộ độc pate Minh Chay?”, đương nhiên trách nhiệm chính thuộc về cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này: Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới. Công ty này được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thẩm định ATTP xếp loại B, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 01/2020/NNPTNT-HAN ngày 3-1-2020. Đáng chú ý, ngày 25-5-2020 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy mẫu 2 sản phẩm pate Minh Chay và ruốc nấm cháy tỏi của công ty để kiểm tra. Kết quả, cả 2 mẫu đều bảo đảm ATTP đối với các chỉ tiêu phân tích.

Thế nhưng, sau khi có thông tin “Cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm pate Minh Chay” của Cục ATTP, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới. Tại thời điểm kiểm tra lại phát hiện hàng loạt sai phạm, cụ thể: Công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất; chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho để sản xuất các loại sản phẩm; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; cũng như các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1-7 đến 28-8-2020… Trước những vi phạm đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,5 triệu đồng. Sở cũng đã tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với doanh nghiệp trên cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Vậy Bộ Y tế, Bộ Công Thương có trách nhiệm gì liên quan đến vụ việc này? Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng cho biết, theo Nghị định 15/2018 quy định về vệ sinh ATTP, Chính phủ giao cho 3 bộ phụ trách lĩnh vực này. Trong đó, Bộ Y tế phụ trách mặt hàng thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách mặt hàng rượu, bia, nước giải khát… Bộ NN&PTNT quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt, sản phẩm rau, củ, quả… Ông Trương Quốc Cường cũng cho biết, về trách nhiệm quản lý, ngoài việc chỉ đạo Cục ATTP thông tin cảnh báo người tiêu dùng, yêu cầu thu hồi sản phẩm, Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ về vụ việc pate Minh Chay sang Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Bình luận về vụ việc này, PGS.TS Trần Đáng – ngu
yên Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, qua vụ việc pate Minh Chay và cách xử lý sự cố, rõ ràng khâu quản lý có vấn đề. Một sản phẩm, một cơ sở mà 3 bộ cùng quản lý đã cho thấy sự chồng chéo, ai sẽ chịu trách nhiệm chính? “Tôi cho rằng, cần phải sửa lại những bất hợp lý trong Luật ATTP. Những sản phẩm mà con người sử dụng trực tiếp phải để Bộ Y tế quản lý. Sản phẩm pate Minh Chay lại do ngành NN&PTNT (cụ thể là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là không theo quy luật quản lý được áp dụng trên thế giới” – ông Trần Đáng nhấn mạnh.

 

Related Posts

Cao ốc mọc trên “đất vàng”: Nhà máy xe đạp Thống Nhất 82 Nguyễn Tuân giờ ra sao?

Sau khi di dời nhà máy xe đạp Thống Nhất, hiện nơi đây là tổ hợp nhà liền kề, TTTM và căn hộ mang tên Thống Nhất Complex, giá nhà…

Read more

3.629 người có nguy cơ cao trong cộng đồng ở Hà Nội xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hiện tại, đã có 3.870 đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng được xét nghiệm nhanh vi rút…

Read more

Sáng 20/3, không có ca mắc mới, gần 31.000 người Việt đã tiêm văc xin COVID-19

Bản tin 6h ngày 20/3 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Gần 38.000 người đang cách ly chống dịch. trên cả nước. Hiện cả nước…

Read more

Dự báo thời tiết ngày 20/3: Miền Bắc ấm trước khi đón đợt không khí lạnh mới

Dự báo thời tiết hôm nay (20/3), các tỉnh miền Bắc ban ngày trời ấm, có nơi nắng nóng trên 35 độ. Ngày mai không khí lạnh tràn về, trời…

Read more

Hà Nội: Bé gái 2 tuổi tử vong trong ngày đầu tiên đến trường mầm non

Bé gái sinh năm 2019 đến nhóm lớp mầm non ở cạnh nhà để học tập. Sau đó bé này đã có nhiều biểu hiện lạ và được đưa đến…

Read more

Chiều 19/3, thêm 1 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM

Bản tin 18h ngày 19/3 của bộ Y tế cho biết có 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh ghi nhận tại TP.HCM. Việt Nam hiện có 2.571 bệnh…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *