Vừa bước vào năm học mới, câu chuyện đổi mới sách giáo khoa (SGK) là vấn đề “nóng bỏng” được dư luận quan tâm.
Trên nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh thảng thốt, choáng váng hay tin có trường tại TP.HCM, học sinh lớp 1 phải “cõng” 23 đầu SGK. Chưa dừng lại ở đó, giá thành của những cuốn sách đó cũng khiến họ “sốc phản vệ”, phải nói…. “giá được đội tận lên trời”.
Khoan bàn về giá thành SGK, câu chuyện “học mà chơi” là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh. Ngược lại thời gian, thế hệ 7x, 8x, “mỗi ngày đi học là một ngày vui”. Những đứa trẻ “lớp mầm” chỉ dắt sau lưng vài ba quyển sách như chú mèo con đi học trong thơ Phan Thị Vàng Anh “chỉ mang một chiếc bút chì và mẩu bánh mì con con” là đã đọc thông, viết thạo. Vậy tại sao thời nay một em học sinh lớp 1 phải nhồi nhét đến 23 đầu sách?
Xem ra, nhờ có “cải tiến, cải lùi” mà trong chiếc cặp của các con bùi nhùi đủ các loại sách Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, tiếng Anh cho đến sách thực hành, hỗ trợ… Chỉ hình dung mỗi ngày con trẻ “cõng” trên lưng chiếc cặp nặng 4-5kg, thử hỏi có ông bố, bà mẹ nào thôi xót xa?
Bất giác, tôi mường tượng hình ảnh những đứa trẻ “dị tật”, không thể đứng thẳng lưng vì phải “cõng” một lượng kiến thức quá tải so với lứa tuổi các em. Với một đứa trẻ bắt đầu học chữ, sẽ xoay xở thế nào với ngần ấy sách. Còn khoảng trống nào để các em vui chơi, trò chuyện, tương tác, gắn kết để phát triển? Cách cải giáo dục, lợi đâu chưa thấy, có chăng chỉ là viễn cảnh màu hồng cho ngành sản xuất… cặp chống gù tăng trưởng vượt bậc?
Nhìn ở một góc độ khác, có luồng ý kiến cho rằng, người ta khuyến khích trẻ con đọc sách và có rất nhiều sách cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Hơn 20 quyển sách này có là gì nếu chúng ta khuyến khích trẻ đọc và chẳng có lý do gì chúng ta không hy vọng vào một thế hệ… “siêu nhân”?
Thế nhưng, dù có cởi mở trong cách nghĩ, người viết mạo muội đưa ra quan điểm cá nhân- đổi mới giáo dục chưa chạm đến gốc của vấn đề, căn bệnh nhồi nhét kiến thức và xem nhẹ bồi dưỡng kỹ năng sống vẫn đang tồn tại dai dẳng. Từng có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến các dạy học, chương trình SGK, trong đó có một ý rất hay được đưa ra, đó là con cái đến trường để học nhưng cũng là để vui chơi.
Đã có ý kiến lên tiếng rằng: “Đối với trẻ em, học sinh cấp một, đi học để vui chơi đặt lên cao hơn đi học để nhồi nhét kiến thức, các em nhỏ cần nhiều thứ hơn chữ nghĩa, đó là các kỹ năng sống”. Nhìn vào còn số 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm, người làm giáo dục có thấy nhói đau? Còn nhiều kỹ năng khác học sinh không được trang bị nhưng cứ bắt học sinh chạy theo các loại thành tích và chuyện học sinh lớp 1 “cõng” 23 đầu sách là điển hình của năm nay.
Năm học 2020 – 2021, năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK có nhiều sự thay đổi. SGK được kỳ vọng là một trong nhiều phương tiện nhằm đạt được mục đích trồng người. Thế nhưng, nếu nhà xuất bản, các công ty và nhà trường không làm thật sự vì học sinh và coi đó là kinh doanh giáo dục thì mục đích đổi mới SGK sẽ đi đâu về đâu?
Sở dĩ người viết đặt câu hỏi như vậy là bởi mấy ngày qua trên mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh “than trời” vì giá SGK bị thổi lên chóng mặt. SGK lớp 1 theo chương trình mới tăng đến 267% so với bộ sách cũ năm ngoái, chưa kể còn chuyện “cò” làm giá đang hoành hành.
Bất bình trước thực trạng SGK tăng phi mã nhưng các bậc phụ huynh vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, mua món hàng không thể không mua này (dù cho “tự nguyện trong ép buộc” hay được “gợi ý” mua trọn bộ). Như vậy, dư luận có quyền hồ nghi về sự nhập nhèm có chủ ý của các cơ sở giáo dục nhằm trục lợi trong “thương vụ”… bán sách?
Việc trước mắt, theo ý kiến cá nhân của người viết, bộ GD&ĐT cần có văn bản ban hành ngay quy định chi tiết hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục địa phương thật rạch ròi trong quy định về SGK và hướng dẫn phụ huynh mua sách cho đúng quy định. Bên cạnh đó, phụ huynh có quyền phản đối với nhà trường về những cuốn sách nhồi nhét kiến thức không cần thiết.
Chương trình học và cách dạy phải làm sao mà một đứa trẻ đến trường “mồm huýt sáo vang/ như con chim chích/nhảy trên đường vàng” thì đổi mới giáo dục mới thành công.
Xin đừng bán sách cho… “siêu nhân”!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!