Mức phạt cho các hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng cấm nâng cao nhiều lần, cao nhất là 50 triệu đồng, ngoài ra có thể bị tước tên miền nếu vi phạm nhiều lần.
Thương mại điện tử tăng trưởng nóng dễ nảy sinh gian lận
Theo cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (bộ Công thương), liên tục trong 5 năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng ở mức trên 25%, tỷ trọng doanh thu so với tổng mức bán lẻ cũng đã tăng gấp đôi. Mặc dù vậy, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng liên tục phát hiện hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường tực tuyến.
Theo Phó Chánh văn phòng tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh, các đối tượng xấu tận dụng môi trường, lợi dụng TMĐT để bán những sản phẩm ko rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền.
“Trước đây, các sàn TMĐT rất cần các chính sách mở để thu hút người bán nhưng giờ đây khi mà lượng người tham gia rất lớn thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người bán thì lúc này vai trò kiểm tra, kiểm soát thị trường lại nổi bật lên. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật…” ông Nguyễn Kỳ Minh nói thêm.
Theo Nghị định 98, việc quản lý môi trường thương mại điện tử được quy định tại Mục 10 với 5 điều, trong đó mức phạt được nâng lên đáng kể. Với các sàn thương mại điện tử, việc phối hợp và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận, hàng giả, hàng cấm là bắt buộc.
Sẽ thu hồi giấy phép, tên miền nếu không hợp tác, vi phạm nhiều lần
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Thương mại điện tử, bộ Công Thương, nếu các gian hàng không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng.
“Khi phát hiện ra hành vi vi phạm mà các sàn không có biện pháp thì có chế tài, chẳng hạn phạt tiền 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi đã nhận được phản ánh mà không xử lý”, ông Tuấn nói.
Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền.
Nghị định 98 cũng bổ sung, mở rộng đối tượng quản lý thương mại điện tử lên các nền tảng ứng dụng di động bán hàng, các ứng dụng này cũng sẽ được quản lý với các chế tài tương tự với website thương mại điện tử.
Cơ quan quản lý cũng sẽ buộc nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính từ các hoạt động: Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính; Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Một số điểm đáng chú ý
Nghị định 98 của Chính Phủ quy định từng mức xử phạt cụ thể với các nhóm hành vi như: Thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; Vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Đối với hành vi sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.
Với hành vi tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
Nghị định 98 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.