Chiếc điện thoại di dộng hẳn nhiên chẳng phải kẻ tội đồ hay thủ phạm đẩy lùi sự phát triển của trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, phát minh vĩ đại làm thay đổi lịch sử loài người này hoàn toàn có thể dìm trẻ xuống bể sâu của những rủi ro, bất lợi…
Khi phát minh ra chiếc điện thoại di động hơn 40 năm trước, có lẽ Tiến sĩ Martin Cooper cũng không ngờ thiết bị này có khả năng gây nghiện cho người sử dụng đến như vậy. Trong khi các nhà khoa học miệt mài viện dẫn đủ lý giải từ góc độ tâm lý, sinh học cho đến cơ chế để lý giải cho sức hút mãnh liệt của thiết bị thông minh với con người, thì người dùng một cách giản đơn có thể thấy rõ sự phụ thuộc khi thiếu vắng vật bất ly thân này: Lo lắng, bứt rứt, không thể tập trung, đứng chẳng đặng, ngồi không yên.
Có lẽ đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến nhiều người tỏ ra lo ngại khi thông tư 32 của bộ GD&ĐT quy định học sinh có thể sử dụng điện thoại di động vì mục đích học tập trong thời gian tới đây.
Sử dụng các công cụ như iPhone, iPad, máy tính xách tay, máy tính bàn để học, tra cứu, tiếp cận với thông tin, tri thức là cần thiết. Tuy nhiên, điều tốt đẹp này chỉ có thể có được khi được sử dụng đúng không gian và thời gian.
Cứ hình dung, một lớp học tới vài chục học sinh nhưng chỉ có một giáo viên, làm sao cô hay thầy có thể kiểm soát được tất cả học trò của mình đang làm gì trên chiếc điện thoại?
Với những đứa trẻ ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới, lựa chọn giữa việc học hành vất vả, nhọc nhằn và sự tiêu khiển vui nhộn từ đủ thể loại trò chơi, ứng dụng, thông báo, trẻ tất nhiên sẽ ngả theo xu hướng giải trí, thỏa mãn bản năng vui chơi của bản thân. Ai dám chắc tình trạng giả vờ dùng điện thoại để tìm hiểu bài, học trò biến những giờ học ở lớp thành tổ chát chít, tán ngẫu, xem phim, đấu game…?
Chưa kể môi trường internet là một mớ hỗn độn của những thông tin tốt, xấu mà ngay đến cả người trưởng thành nhiều khi còn chưa phân biệt nổi huống gì trẻ con.
Giữa hai điều tốt xấu này, ai dám đảm bảo cái tốt nhiều hơn. Khi mà còn có sự giằng co giữa tốt và xấu, có nên quyết định đưa việc sử dụng điện thoại tại lớp học vào quy định?
Với hầu hết những đứa trẻ, thời gian như ngừng trôi khi có chiếc điện thoại ở trong tay. Những giờ ra chơi rất có thể sẽ trở thành thảm cảnh khi tất cả trẻ dán mắt vào màn hình điện thoại thay vì chạy, nhảy, chơi đùa hay trò chuyện. Kỹ năng giao tiếp xã hội có khi nào sẽ biến mất để nhường chỗ cho thế giới ảo, mông lung và vô thực?!
Internet mở ra kho tàng kiến thức rộng lớn nhưng chính cái sự có sẵn, tràn lan này khiến lũ trẻ lười động não hơn. Một bài Toán khó giờ thay vì trăn trở tìm lời giải cả ngày, rất đơn giản, lên mạng tìm bài mẫu hoặc khó hơn nữa thì vào các nhóm nhờ người giải, hướng dẫn. Sự dễ dàng giết chết sự sáng tạo là vậy.
Trong nghiên cứu của các bác sĩ tâm thần thuộc đại học King’s College London dựa trên việc phân tích hành vi của 42.000 thanh niên trong một cuộc khảo sát về việc sử dụng điện thoại thông minh cho thấy, khoảng 23% giới trẻ đang bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh. Nghiên cứu cảnh báo, những cơn nghiện điện thoại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần và là nguyên nhân gây thiếu ngủ, căng thẳng, chán nản, giảm thành tích học tập. Đáng sợ hơn nữa, có mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại quá nhiều với căn bệnh trầm cảm ở giới trẻ.
Còn nhớ nhiều năm trước, khi triển khai việc cho học sinh mặc đồng phục, một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng đến là nhằm tránh phân biệt sự giàu nghèo giữa các học sinh. Nếu xét theo tiêu chí này, có lẽ nào việc dùng điện thoại sẽ lại nảy sinh trào lưu đua đòi mua, đổi điện thoại xịn cho bằng bạn bè. Những hệ lụy chúng ta từng lo có thể lại lặp lại?.
Việc cho hay không cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước. Và nhiều nước tiên tiến với nền giáo dục phát triển đã mạnh dạn gạt phăng thiết bị thông minh này ra khỏi chương trình sinh hoạt ở trường. Chẳng hạn, ở Thái Lan, trong hầu hết các lớp học, bao gồm cả trường quốc tế, việc sử dụng điện thoại bị nghiêm cấm. Singapore cũng cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp từ 7h30 tới lúc tan học vì lý do sợ học sinh mất tập trung, sao nhãng học hành. Ngay cả ở Pháp, khi gần 90% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi dùng điện thoại di động nhưng vào năm 2018 nhà nước vẫn cấm dùng điện thoại trong lớp với lý do giảm thiểu tình trạng mất tập trung, chống bắt nạt trên mạng và quan trọng là khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn.
Có thể sẽ có nhiều lý do trái chiều quanh việc cho trẻ sử dụng điện thoại ở lớp học hay không.
Tuy nhiên, có một điều hẳn nhiên đúng: Khi thầy cô không có khả năng kiểm soát được việc sử dụng điện thoại trong lớp của học sinh thì không nên cho phép trẻ sử dụng. Chỉ có như vậy mới mong trẻ gặt hái được kiến thức và phát triển tự nhiên, lành mạnh. Đừng đổ lỗi cho chiến điện thoại, nó chỉ là vật vô trị, mà hãy xem cách con ngưởi sử dụng nó ra sao, đặc biệt là trong bài toán cho học sinh sử dụng nơi học đường…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.