Bộ Y tế phát đi thông báo chính thức cho biết đã đặt mua vắc xin ngừa COVID-19 của Nga và Anh, bên cạnh nỗ lực phát triển vắc xin trong nước.
Tờ Tuổi trẻ thông tin thêm, theo đó, Bộ Y tế cho biết trong nỗ lực sớm có vắc xin ngừa COVID-19 phục vụ cộng đồng, Bộ Y tế đã đặt mua vắc xin ngừa COVID-19 của Nga và Anh.
Tuy nhiên theo Bộ Y tế, việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, bên cạnh quy trình thử nghiệm vắc xin trước khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam rất chặt chẽ và đòi hỏi thời gian.
“Đây là thách thức lớn trong việc sớm đưa vắc xin tiếp cận người dân, Bộ Y tế sẽ nỗ lực để có vắc xin phục vụ phòng chống dịch sớm nhất”, thông cáo của Bộ Y tế cho biết.
Tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh COVID-19 cho người dân ở Nga. (Nguồn: Moskva News Agency/TTXVN)
Tờ TTXVN cho biết thêm, trong thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắcxin trong nước đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty, các đối tác sản xuất và cung cấp vắcxin có uy tín trên thế giới nhằm có vắcxin ngừa COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Về sản xuất vắcxin trong nước, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vắcxin theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vacine lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vắcxin ngừa COVID-19.
Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắcxin trên cơ sở quy trình sản xuất vắcxin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia.
IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắcxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn để hợp tác sản xuất vắcxin cúm đại dịch.
Các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắcxin COVID-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.
Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian, nên đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân.