Để thu hút được đông đảo bệnh nhân đến điều trị và mua thuốc, một số người đã “tự phong” cho mình những cái “danh” mỹ miều, trúng vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người dân. Một trong số đó là “lương y” tự phong Nguyễn Thị Nghê, với bài thuốc trị bệnh tiểu đường, được quảng cáo như thần dược, đang làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội suốt thời gian qua.
PV đã tìm về địa chỉ phòng khám của vị lương y tự phong này ở thôn La Đồng, xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Tại ngôi nhà cấp bốn nằm trong xóm núi, xuất hiện biển hiệu “Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Bảo Xuân Đường”, trên biển hiệu này có ghi giấy phép hoạt động số 109-HNO, do Sở Y tế Hà Nội cấp. Thời gian hoạt động khám chữa bệnh từ 8h đến 21h các ngày thứ 7 và chủ nhật.
Bà Nguyễn Thị V, một người dân ở ngay sát phòng khám cho biết: “Cô Nghê là người ở Hòa Bình, về đây thuê nhà của một người ở địa phương để mở phòng khám, vào các ngày thứ 7 và chủ nhật lượng khách đến rất đông, bình quân từ 40 đến 80 người/ngày, có ngày đông khách thì lên tới cả trăm người. Trước kia thì còn đông hơn, sau khi bị báo chí đưa lên mạng thì khách đến có giảm bớt”.
Mặc dù đã bị thu giấy phép hoạt động, đến nay Phòng khám Bảo Xuân Đường vẫn chưng biển.
Quy trình khám chữa bệnh của vị “lương y” này khá đơn giản. Bệnh nhân đăng ký khám sẽ được một thanh niên không mặc áo đồng phục ngành y tế ra đo huyết áp, sau đó bà Nghê sẽ bắt mạch và kê đơn thuốc. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường thì thuốc của ai cũng giống ai. Có chăng chỉ là số lượng gói thuốc nhiều hay ít do nhu cầu mua của mỗi người bệnh.Theo quan sát của PV, tại thời điểm tác nghiệp, có gần trăm bệnh nhân đến khám và mua thuốc. Người bệnh đến đây được mua liệu trình thuốc uống trong một tháng với giá 1.950.000 đồng. Tính sơ sơ mỗi ngày người bệnh cũng chi hàng trăm triệu cho “lương y”. Người dân địa phương cho biết, cơ sở còn bán thuốc qua mạng xã hội nhiều hơn cả bán tại nhà.
Thanh niên không đồng phục ngành y, tay dính mực đo huyết áp cho bệnh nhân.
Ông Hoàng Văn T, một người bệnh đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Tôi bị tiểu đường gần chục năm, xem trên mạng thấy clip của VTV quảng cáo về vị lương y này nên hôm nay tôi khám mua thử thuốc uống xem như thế nào, chứ cũng không biết có chữa được không”.
Ông Nguyễn Văn P, bệnh nhân đến từ Thanh Trì, Hà Nội nói: “Chẳng có tác dụng gì cả, đúng ra đi khám phải lấy máu để kiểm tra, đây chỉ bắt mạch qua, thuốc hầu nhưng đều giống nhau. Khám như thế chỉ có chết bệnh nhân, vì bệnh tiểu đường phải đo chỉ số của máu, đây không đo mà bắt mỗi mạch. Bệnh tiểu đường uống thuốc vào thì tim mạch vẫn bình thường”.
Tại cơ sở của bà Nghê luôn kè kè từ 2 đến 3 máy camera, điện thoại phát livestream cảnh khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Khi PV dò hỏi những người làm “nhiệm vụ online” này từ đơn vị nào, thì họ tìm cách lảng tránh trả lời PV. Tìm hiểu về vị lương y tự phong này, chúng tôi đã rất bất ngờ với những thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp.
Nơi khám bệnh của bà Nghê, có ekip để phát trực tiếp lên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Sở Y tế không cấp chứng nhận lương y cho bà Nguyễn Thị Nghê, bà ấy có văn bằng chuyên môn là Y sỹ. Tại thời điểm hiện tại, Sở Y tế Hà Nội không cấp phép cho bà Nghê bất kỳ giấy phép hoạt động phòng khám nào”.
Ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho hay: “Trước đây cô ấy đăng kí khám ngoài giờ, sau đó không đảm bảo về việc quảng cáo quá mức. Tháng 6/2019, Sở Y tế Hà Nội có Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở này. Khi nhận được Thông báo của Sở Y tế, chúng tôi đã mời đại diện cơ sở này lên làm việc và yêu cầu ngừng mọi hoạt động khám chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Nghê đại diện cho phòng khám đã viết bản cam kết dừng hoạt động, từ đó đến nay họ có hoạt động hay không thì chúng tôi không thấy UBND xã báo cáo lên”.
Còn ông Trần Văn Hừng, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Bà Nghê về thuê nhà và tổ chức khám chữa bệnh, UBND xã cũng nắm được và cử cán bộ đến kiểm tra, khi phát hiện họ bị thu hồi giấy phép, chúng tôi đã yêu cầu dừng hoạt động, hiện nay họ có hoạt động hay không thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra”.
Mặc dù bị Sở y tế TP Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, đến nay bà Nghê vẫn còn hoạt động.
Trên thực tế, vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bà Nghê vẫn hoạt động khám chữa bệnh và bán thuốc cho rất nhiều người bệnh từ khắp nơi đổ về. Phần lớn trong số người bệnh này đều tin vào các video quảng cáo “một tấc tới giời” trên mạng xã hội. Nên việc chính quyền địa phương thiếu giám sát, ngăn chặn đã gián tiếp tạo cơ hội cho hành vi lừa đảo, là thiếu trách nhiệm với xã hội nói chung, người mắc bệnh hiểm nghèo
nói riêng.
Bài sau:
Quá trình tác nghiệp, PV phát hiện một nhóm lợi ích cấu kết nhau để móc túi người bệnh bằng nhiều chiêu trò. Đáng lo ngại là nhóm này còn vươn “vòi bạch tuộc” tới nhiều tỉnh thành.
(Còn nữa)