Kết hôn được hơn 1 tháng, chị N đã quyết định nhảy cầu tự tử. Cũng như chị, không ít người đã tự tử sau ngày cưới không lâu chỉ vì lý do chẳng ai có thể ngờ đến.
Tự tử sau ngày cưới
Câu chuyện đau lòng của chị N.N (27 tuổi) ở xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định) nhảy cầu Thị Nại tử vong mới đây khiến nhiều người đau lòng. Theo thông tin ban đầu từ người nhà nạn nhân, chị mới cưới chồng cách đây hơn một tháng. Sau khi cưới chồng, tâm lý chị bất ổn, đi khám được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Trong khi gia đình đang tìm cách điều trị thì xảy ra vụ việc chị N. nhảy cầu Thị Nại. Mặc dù được người dân phát hiện hô hoán cứu vớt nhưng khi được lực lượng cứu hộ vớt lên bờ, cô gái đã tử vong.
Trong thực tế có rất nhiều trường hợp tự tử sau ngày cưới chưa lâu. Như trường hợp của cô gái Y.P, 17 tuổi ở Kỳ Sơn, Nghệ An mới lấy nhau được 4 ngày đã tự tử bằng lá ngón và để lại thư tuyệt mệnh với nội dung lấy chồng không được như mong muốn, bây giờ bỏ cũng không được nên không thiết sống nữa.
Ảnh minh họa
Trong hôn nhân, nhiều cặp đôi sau ngày cưới đã không tìm được tiếng nói chung mà rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn” là chuyện không hiếm gặp. Nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm vì sự thay đổi đột ngột giữa mối quan hệ yêu và kết hôn.
Tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý sau một tuần cưới, chị Nguyễn Thị Nhung (Hải Dương) đã vô cùng lo lắng về tình trạng trầm cảm sau cưới của mình. Chị kể, 22 tuổi chị kết hôn với người mình đã yêu một thời gian dài. Đám cưới diễn ra rất vui vẻ với sự chúc phúc của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng chỉ sau ngày cưới không lâu, chị rơi vào cảnh “vỡ mộng”. Hai vợ chồng ít tiếng nói chung nên hay xảy ra mâu thuẫn. Dù cố gắng nhẫn nhịn nhưng không thể dung hòa.
“Một thời gian dài mình không muốn ra ngoài, tiếp xúc với ai mà chỉ ngồi lì ở trong nhà. Mình lên mạng gần như cả ngày mà chẳng để làm gì. Ban ngày thì ngủ còn đêm chẳng sao ngủ được. Vợ chồng cãi vã, mình không dám về nhà đẻ vì sợ bố mẹ nhìn con gái tiều tụy lại lo lắng thêm. Suốt mấy tháng nay trong tình trạng này, mình đã muốn làm đơn ly hôn” – chị Nhung kể.
Trầm cảm sau cưới tăng rạn nứt hôn nhân
Lâu nay mọi người vẫn nghĩ trầm cảm thường chỉ xảy ra ở phụ nữ sau sinh, sau đổ vỡ hôn nhân và thất bại trong công việc, chứ ít ai nghĩ đến việc trầm cảm sau hôn nhân. Bởi kết hôn được sống chung cùng nhau là điều mà rất nhiều cặp đôi mong ước. Nhưng thực tế hiện tượng trầm cảm sau kết hôn ngày càng gặp nhiều, nhất là với những người trẻ kết hôn sớm.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trầm cảm sau cưới cũng có những triệu chứng không khác gì trầm cảm thường thấy như buồn rầu, lo âu, chán nản, mệt mỏi, ăn không ngon, mất ngủ… Bất kể là nam giới hay nữ giới khi mắc chứng trầm cảm sau hôn nhân, tâm lý bi quan, áp lực căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những tổn thương tâm lý. Cuộc sống hôn nhân vì thế có thể làm tăng nguy cơ rạn nứt tình cảm vợ chồng khi không thể cảm thông cho nhau được. Những giao tiếp thường ngày trở nên vô cùng nặng nề, vô nghĩa.
Những mâu thuẫn, cãi vã, sự bất đồng quan điểm hay một vài câu chuyện không vui trong gia đình cũng khiến cuộc sống hôn nhân áp lực và nặng nề. Và chính những điều này khiến không ít đôi vợ chồng quyết định ly hôn và để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý nặng nề với người trong cuộc.
Đôi khi trầm cảm sau hôn nhân còn khiến dẫn đến nhiều sự việc đau lòng. Người bị trầm cảm thường rơi vào trạng thái mất ngủ, ăn uống kém, tâm trạng suy sụp… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Để giải tỏa tâm lý bản thân, họ tìm đến những hành động như hành hạ bản thân, đáng sợ nhất là tự tử.
Để tránh trầm cảm sau cưới, các chuyên gia khuyên cặp đôi trước khi tiến đến hôn nhân cần phải tìm hiểu thật kỹ, tham gia các lớp học về kỹ năng làm vợ chồng, xử lý tình huống… Đừng bao giờ mọi người nghĩ hôn nhân là cái kết đẹp của tình yêu. Hôn nhân chỉ là sự khởi đầu mới, sự lãng mạn hay chông gai sẽ tùy sự vun đắp liên tục của cả hai phía.
Xưa vẫn có câu “nhân vô thập toàn”, bởi vậy mà khi đã quyết định sống chung cùng nhau cần biết chấp nhận tất cả tốt xấu của người mình yêu. Khi gặp trục trặc, cặp đôi cần tìm đến sự trợ giúp của người thứ 3 đó là bố mẹ, người tin cậy hoặc những chuyên gia tư vấn tâm lý dể có những lời chỉ bảo, chứ không nên âm thầm chịu đựng. Việc để tình trạng trầm cảm diễn ra trong thời gian dài không được xử lý thoả đáng sẽ dẫn tới những câu chuyện đáng tiếc như trên.