Chưa đầy chục ngày nữa các sĩ tử Hà Nội tham gia kỳ thi vào lớp 10, giáo viên môn Ngữ văn mách nước kỹ năng làm bài để ghi điểm tối đa môn Văn.
Chưa đầy chục ngày nữa các sĩ tử Hà Nội tham gia kỳ thi vào lớp 10 đầy cam go
Còn chưa đầy chục ngày nữa các sĩ tử Hà Nội tham gia kỳ thi vào lớp 10, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai “mách nước” kỹ năng làm bài để ghi điểm tối đa môn Văn.
Theo đó, các sĩ tử cần ghi nhớ 4 lưu ý để ghi trọn điểm bài thi môn Ngữ văn. Cụ thể:
Lưu ý khi trình bày:
Trình bày gọn gàng, sạch sẽ, chữ viết đọc được, không được viết tắt, viết thiếu nét, mất nét; Khi gạch bỏ, chỉ gạch một gạch, gạch dài dùng thước kẻ thẳng một đường từ đầu đến cuối câu; Trừ lề hợp lí (với mẫu giấy không kẻ sẵn lề, giấy có lề rồi thì không trừ);
Sau mỗi câu trả lời, nên cách ra một ô tạo độ rộng, thoáng cho bài làm; Với bài văn, phải được cấu tạo bằng nhiều đoạn văn; Trích thơ, tên tác phẩm phải dùng dấu ngoặc kép, viết hoa đúng quy định (đầu tên tác phẩm, tên cơ quan tổ chức, phong trào…)
Cách trả lời câu hỏi:
Thí sinh nên lấy câu hỏi làm câu trả lời (lược từ để hỏi) và trả lời đúng trọng tâm, theo nguyên tắc hỏi gì đáp nấy, tránh trả lời lan man.
Diễn đạt, chính tả:
Thí sinh cần diễn đạt gãy gọn, câu đủ chủ vị; Có thể dùng câu đặc biệt, câu rút gọn và các biện pháp tu từ (liệt kê, nhân hóa, so sánh, điệp…) để tăng hiệu quả biểu đạt; Viết câu hạn chế các câu dài lan man; Và cố gắng tránh những từ không yên tâm về chính tả, thay thế bằng các từ đồng nghĩa phù hợp.
Kiến thức:
Thí sinh hãy xác định trọng tâm của đề và đi đúng, đi thẳng vào trọng tâm; Đảm bảo kiến thức cơ bản, phần liên hệ so sánh, mở rộng nên đưa vào đủ dùng, không lạm dụng; Sắp xếp kiến thức theo một tiêu chí nhất định.
Cô Phượng cũng lưu ý 5 lỗi thí sinh dễ mất mất điểm khi làm bài Ngữ văn:
Lỗi trình bày: Chữ viết cẩu thả, lề thò thụt tùy ý; Viết gạch xóa nhiều; Gạch đầu dòng, dấu cộng đầu dòng sử dụng tùy tiện và phân đoạn trong văn bản (bài văn) không rõ ràng.
Cách trả lời câu hỏi: Trả lời câu hỏi cộc lốc, không có chủ ngữ vị ngữ hoặc quá dài dòng, thiếu trọng tâm; Trả lời sai yêu cầu của đề bài (lạc đề).
Lỗi diễn đạt, chính tả: Viết câu sai, không đủ các thành phần câu; Viết câu tối nghĩa; Lặp từ, sử dụng từ ngữ không phù hợp, văn nói, sai phong cách, sai chính tả.
Lỗi thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng lập luận:
Xác định sai yêu cầu đề; Không biết cách xếp các ý phù hợp, theo trình tự hợp lí.
Lỗi thừa kiến thức: Liên hệ so sánh quá nhiều, làm loãng bài văn.
Cô Phượng cũng bật mí thêm các kỹ năng khác khi làm bài thi Ngữ văn mà thí sinh cần nhớ để đạt điểm cao như kĩ năng đọc ngữ liệu nhanh, gạch chân các yếu tố liên quan đến câu hỏi; Phân loại câu hỏi: Câu hỏi dạng nào? Nhận biết, thông hiểu hay vận dụng… để có câu trả lời phù hợp; Tập viết ngắn, viết tinh, đảm bảo đủ ý, hấp dẫn; Luyện kỹ năng viết nhanh, diễn đạt tốt; Biết cách sử dụng ẩn dụ, ví von, thuộc các nhận định mới mẻ gây ấn tượng với người chấm.
Cô Đỗ Khánh Phượng nhấn mạnh: “Với môn Ngữ văn, muốn giành điểm cao học sinh cần luyện đề mỗi ngày để rèn kỹ năng viết, nâng cao khả năng diễn đạt. Song song với đó các em cần tăng cường thói quen đọc sách, báo giúp mở rộng vốn từ, cập nhật tính thời sự để áp dụng vào bài làm”.