Thời gian gần đây, giới trẻ làm nhiều dự án phim, âm nhạc, sách lấy vốn xưa làm nền tảng, chuyển tải cho khán giá nhiều câu chuyện về sử Việt. Qua đó, những kiến thức về lịch sử được lan tỏa, truyền cảm hứng cho người xem để tìm hiểu về văn hóa truyền thống.
Hình ảnh trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy. Ảnh: Cắt từ Clip.
Bùng nổ vì phong trào?
MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy, nội dung tái hiện mối tình giữa Nam Phương hoàng hậu và vị vua cuối cùng triều đại phong kiến Việt Nam – vua Bảo Đại, sau 1 ngày ra mắt đã vào top của youtube tại Việt Nam với hơn 12 triệu lượt xem. Đồng thời, MV này lọt vào top thịnh hành của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia. Đến nay, sau hơn 1 tháng, MV đã có hơn 29 triệu lượt xem, với hàng chục ngàn bình luận.
Có thể thấy câu chuyện về hoàng hậu Nam Phương từ khi trở thành chính cung của vua Bảo Đại đến lúc ông thoái vị tiếp tục được lan tỏa cùng MV ca nhạc của Hòa Minzy. Đặc biệt, ngoài những bình luận khen, chê về clip, nhiều bình luận tập trung bóc tách từng tình tiết về mối tình giữa Nam Phương và vua Bảo Đại. Tài khoản PieHinPie TV chỉ ra 7 lát cắt về lịch sử trong clip và chia sẻ: “MV dựa vào lịch sử, chứ không phải tái hiện hoàn toàn lịch sử nên có phần sáng tạo thêm bớt chi tiết cho kịch tính, dâng trào cảm xúc”.
Ngoài MV của Hòa Minzy, nhiều dự án về trang phục cổ xưa của người Việt vừa hoàn thành và đang được chia sẻ trên mạng xã hội như: “Dệt nên triều đại” của nhóm Vietnam Centre, “Lam Dũ” thuộc dự án Việt sử kiêu hùng của nhóm Đuốc Mồi, phim “Phượng Khấu” do Huỳnh Tuấn Anh làm đạo diễn, MV “Cung đàn vỡ đôi” của ca sĩ Chi Pu. Trong dịp chia sẻ về việc chọn đề tài lịch sử, văn hóa của dân tộc để khai thác trong những sản phẩm văn hóa, giải trí, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn nói đó không hẳn là hiện tượng hay phong trào, mà là quy luật tất yếu của thị trường. “Khi người làm nghề không còn gì để bắt chước, khi hết hào hứng với việc làm lại, ắt sẽ quay về với văn hóa bản địa” – đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Việc làm đáng hoan nghênh
Từ lát cắt nhỏ của bức tranh văn hóa, giải trí trên có thể thấy, hiện nay ngày càng nhiều nhóm độc lập tham gia khai thác mảng lịch sử và dần tạo nên hiệu ứng xã hội. Đa số các dự án đều thể hiện sự tìm tòi về vốn xưa để có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ và nhãn quan nghệ thuật hiện đại. Có những sản phẩm đi theo hướng thuần cổ, cố gắng phục dựng gần đúng nhất trong khả năng cho phép. Có những dự án lại chọn hướng lấy vốn xưa làm nền tảng, nguồn cảm hứng để phát triển.
Ở góc độ của người nghiên cứu lịch sử, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi – Viện Sử học (hiện đang làm cố vấn phim hoạt hình lịch sử có tên gốc “Hào khí ngàn năm”, sau này đổi tên thành “Khát vọng non sông” phát sóng trên VTV1) chia sẻ: “Giới trẻ thực hiện các sản phẩm văn hóa, giải trí dựa trên chất liệu lịch sử là điều cần được khuyến khích và chúng tôi luôn tạo điều kiện để các bạn tìm hiểu về lịch sử dân tộc”. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi nhấn mạnh, việc giữ nguyên lịch sử hay sử dụng sử liệu có kết hợp sáng tạo cần đảm bảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sản phẩm hình thức ra sao đều phải giữ nguyên các yếu tố cốt lõi. Điều cốt lõi: “Sự kiện phải diễn ra đúng ngày tháng, bối cảnh. Nếu liên quan đến con người thì các tình tiết phải đảm bảo chân thực” – PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi chia sẻ.
Đồng quan điểm, sự ủng hộ với việc giới trẻ làm các sản phẩm văn hóa, giải trí để làm các dự án phim, âm nhạc, PGS.TS Lại Văn Tới – Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Việc học, nghiên cứu lịch sử không thể chỉ dừng lại trên sách vở, truyền hình, phát thanh mà cần nhiều kênh hơn nữa. Chúng ta nên kết hợp nhiều phương pháp để truyền tải giúp giới trẻ tiếp cận lịch sử một cách đa chiều. Do đó, tôi ủng hộ việc các bạn trẻ làm MV, phim, sách âm nhạc về lịch sử”.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, làm phim hy vọng Chính phủ hoặc các tổ chức khác có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án, có thể lập nên một quỹ dành cho giới trẻ làm các sản phẩm văn hóa, giải trí sử dụng chất liệu lịch sử. Bởi, nguồn tài chính ổn định có thể giúp dự án duy trì được nhiều năm, từ đó đem đến những sản phẩm miễn phí cho cộng đồng để nhanh chóng lan tỏa các giá trị lịch sử dân tộc