Tối 2/7 các học sinh tại tại điểm trường Tắk Pổ cùng với phụ huynh, giáo viên liên hoan tổng kết cuối năm bằng món mì gà do mạnh thường quân tài trợ.
Buổi liên hoan cuối năm của các em học sinh trường Tắk Pổ với món mì gà. Ảnh: Zing.
Tắk Pổ là điểm trường vùng cao ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, thuộc trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập.
Sau lễ khai giảng đơn sơ với 34 học sinh là con em đồng bào Ca Dong, 2 giáo viên và một lãnh đạo hồi tháng 9/2019, nhà trường nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Kết thúc năm học, cô trò và phụ huynh ở điểm trường Tắk Pổ cùng tổ chức buổi liên hoan cuối năm với nguyên liệu là 40 kg mì, 18 kg thịt gà được chuyển từ dưới xuôi lên.
Hình ảnh học sinh cùng bữa ăn trong điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn lan tỏa trên mạng xã hội.
Công đoạn chuẩn bị món ăn cho buổi liên hoan kéo dài nửa ngày. Cô Trà Thị Thu, một trong hai giáo viên của trường, đặt nguyên liệu thịt gà và mì từ dưới xuôi. Người dân cõng thực phẩm từ chân núi lên trường. Hai giáo viên cùng phụ huynh chế biến thức ăn cho trẻ.
“Tôi thấy rất vui khi nhìn các em ăn hết những bát mì to. Em nào cũng ăn từ 2 đến 3 tô. Tôi hy vọng các bé sẽ luôn được ăn no và có những bữa ăn như buổi liên hoan này” – cô Trà Thị Thu nói.
Chia sẻ với Zing, cô Thu cho biết bữa ăn hàng ngày của học sinh trường Tắk Pổ thường chỉ có cơm và rau. Một tuần, các em có 2-3 bữa cơm có cá, thịt đã là nhiều.
Được biết, kinh phí tổ chức buổi liên hoan cuối năm là từ một mạnh thường quân ở Đà Nẵng góp sức. Cô Thu cho biết người này thường xuyên hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng trong năm học ở các điểm trường vùng cao.
Cô giáo Trà Thị Thu và lớp học trên đỉnh trời là một trong 18 đề cử của Giải thưởng WeChoice Awards 2019.
Lần đầu lên Tắk Pổ để dạy học, cô Thu chỉ mới 21 tuổi. Bốn bề là rừng núi hoang vu, nhiều lúc sợ hãi nhưng Thu tự động viên: Đã hứa với chị là không được khóc, phải ráng giữ lấy lời. Vậy mà vẫn khóc.
Trời lạnh như cắt, đường đi thì khó khăn, trượt ngã không biết bao nhiêu lần. Lên đến nơi nhìn ngôi trường cô còn không nhận ra đó là trường. “Nhiều người còn nói trường gì mà thua cái chuồng bò ở dưới xuôi. Mái lợp tạm bằng lá, vách thì đan bằng tre nứa, mọi thứ rất tạm bợ” – cô Thu nhớ lại.
Nhưng rồi những ngày đầu bỡ ngỡ cũng qua dần, cô tập quen với nếp sống của người Ca Dong trên đỉnh núi. Cô vào làng nhiều hơn, trò chuyện với người dân nhiều hơn và thân thiết với học trò. Bất đồng về ngôn ngữ hay văn hoá dần được phai nhoà.