Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh chủ yếu do lo ngại dịch Covid-19 làm chậm, thậm chí là kéo tụt triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu ngày càng lớn. Ngoài ra, giá vàng tăng mạnh còn do đồng USD tiếp tục suy yếu, xuống ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Trên thị trường thế giới, tính đến đầu giờ sáng ngày 23/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.869,09 USD/Ounce. So với cùng thời điểm ngày 22/7, giá vàng thế giới giao ngay đã tăng tới 23 USD/Ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 9/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.875,5 USD/Ounce, tăng 5,6 USD/Ounce trong phiên nhưng đã tăng tới 29 USD/Ounce so với cùng thời điểm ngày 22/7.
Giá vàng ngày 23/7 tiếp tục tăng mạnh chủ yếu do lo ngại dịch Covid-19 làm chậm, thậm chí là kéo tụt triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu ngày càng lớn. Theo ghi nhận những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại một số nước như Mỹ, Ấn Độ, Brazil… vẫn không ngừng gia tăng. Đã có nhiều biện pháp, trong đó có cả việc tái phong toả, đóng cửa trở lại nền kinh tế, được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Hình minh họa
Dưới tác động của dịch Covid-19, hàng loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng đang đứng trước thực trạng suy thoái kinh tế trong năm nay và điều này được dự báo sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo khi mà triển vọng vắc-xin Covid-19 còn mờ mịt.
Tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Trung Quốc cũng gây những lo ngại nhất định đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, giá vàng hôm nay tăng mạnh còn do lo ngại lạm phát gia tăng và tiền tệ mất giá khi rất nhiều các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ USD được triển khai, tạo thanh khoản dồi dào trong hệ thống tài chính nhưng lại không được hấp thụ vào các nền kinh tế.
Trong khi đó, vàng là công cụ truyền thống để phòng trừ các rủi ro này. “Làn sóng kích thích từ mọi nơi không chỉ làm dấy lên rủi ro lạm phát mà còn vẽ ra bức tranh u ám cho nền kinh tế, khiến vàng càng thêm hấp dẫn”, Edwar Meir – nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets nhận định.
Bank of America cũng đồng tình với quan điểm trên. “Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép”, các nhà phân tích nhận xét, “Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng”.
Những quan ngại xung quanh tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây cũng là tác nhân thúc đẩy giá vàng đi lên.
Bên cạnh đó, giá vàng ngày 23/7 tăng mạnh còn do đồng USD tiếp tục suy yếu, xuống ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Ghi nhận cùng thời điểm, theo giờ Việt Nam, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đứng ở mức 94,95 điểm, giảm 0,21% trong phiên.
Ghi nhận tại thời điểm 6h00 ngày 23/7, giá vàng trong nước được SJC Hà Nội niêm yết ở mức 52,10 – 53,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tương tự, tại SJC TP. Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 52,10 – 53,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Phú Qúy SJC niêm yết giá vàng ở mức 52,25 – 52,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết giá vàng ở mức 52,10 – 52,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng ở mức 52,25 – 52,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).