Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, ngành giáo dục đang chịu những ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng vẫn luôn giữ vững phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Nhiều ý kiến cho rằng, trong mọi gian khó, với quyết tâm của ngành giáo dục, đây cũng là một cơ hội để “rèn binh, luyện tướng”…
“Mặt trận” không thể lơ là…
Cụ thể, tại lễ công bố hoạt động đồng hành, hỗ trợ của ngành thông tin và truyền thông diễn ra mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cho biết, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành sẽ không đặt vấn đề lùi thời gian mà tăng cường chuyển hình thức học trực tiếp thành học trực tuyến.
Xác định giáo dục cũng là một “mặt trận” không thể lơ là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bộ Thông tin & truyền thông cùng bộ GD&ĐT quyết tâm giữ vững phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, thông qua những hỗ trợ tích cực về hạ tầng kỹ thuật và tiến tới đào tạo kỹ năng chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Điều này có tác động lớn với đất nước trước mắt và lâu dài.
Trước hết, đó là số hoá các thông tin dữ liệu quản lý tạo thành cơ sở dữ liệu lớn trong ngành. Đặc biệt, các hệ thống học liệu, kiến thức, phân tích ngành và dựa trên các chỉ số phát triển để đưa ra những chính sách dựa trên minh chứng và trong các quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô, vi mô ngành quản trị các trường học. Đồng thời, trong giáo dục sẽ rút ngắn được khoảng cách lớn về phát triển, xây dựng các mô hình bài giảng thông minh, rút ngắn khoảng cách trong nước và trên thế giới.
Hiện tại, học sinh vẫn đang trong kỳ nghỉ kéo dài, vì vậy, kế hoạch duy trì việc học trực tuyến của bộ GD&ĐT là vô cùng cần thiết.
Chia sẻ về trải nghiệm học trực tuyến trong giai đoạn này, em Vũ Thị Hồng, học sinh lớp 9C, trường THCS Tân Định (Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, lớp em đang triển khai học trực tuyến công cụ Zoom, thường thì thời lượng khoảng 1 tiếng/môn học.
Mặc dù không bằng học trực tiếp tại trường lớp và học trên máy tính với điện thoại thì có hơi mỏi mắt, nhưng bù lại, em cũng thấy dễ hiểu.
Trường em cũng áp dụng hình thức thi trực tuyến, có lẽ do cơ sở hạ tầng chưa thực sự tốt nên đôi khi xảy ra một vài trường hợp trục trặc ở đề thi… gây khó khăn trong việc đánh giá đúng năng lực của học sinh…
Tuy nhiên, vì đang là học sinh cuối cấp, em sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT trong vài tháng nữa, nên giai đoạn này, việc duy trì học trực tuyến là vô cùng quan trọng, ngoài trang bị những kiến thức mới, em cũng tranh thủ thời gian làm bài tập và nhờ thầy cô chữa bài, để đảm bảo kiến thức khi quay trở lại trường”.
Chung một “nỗi niềm của học sinh cuối cấp”, em Nguyễn Thị Ánh, trường THCS Lý Tự Trọng (Vĩnh Phúc) cũng bày tỏ: “Chúng em đã nghỉ học khá lâu, ngay từ những ngày đầu có dịch, trường em đã duy trì trao đổi, hướng dẫn giữa giáo viên và học sinh thông qua những bộ đề, bài tập và tương tác thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và Gmail…
Những ngày này, việc học trực tuyến đang dần được đẩy mạnh hơn, có sự tương tác kịp thời nhiều hơn nên các vấn đề chúng em gặp phải cũng được thầy cô giải quyết nhanh hơn. Đặc biệt, sắp tới, chúng em có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm nay, cấu trúc đề thi một số môn sẽ có sự thay đổi nhất định nên em cũng hơi lo lắng. Cũng may, vẫn duy trì học trực tuyến nên các thầy cô có thể định hướng ôn tập và cho chúng em tập làm quen với cấu trúc đề mới”.
Tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” lên tiếng
Trước kế hoạch tăng cường dạy và học trực tuyến của bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh bày tỏ, luôn sẵn sàng phối hợp cùng nhà trường để mang lại hiệu quả cao nhất.
Anh Trần Văn Đức, một phụ huynh có con học lớp 12 tại Lào Cai khẳng định: “Tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc cho các con nghỉ học, không đến trường là cần thiết, bởi sức khỏe là quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ học kéo dài suốt mấy tháng mà các con không được học tập, ôn luyện gì thì e rằng kiến thức không đảm bảo, đặc biệt, với những học sinh sẽ phải thi THPT Quốc gia như con tôi. Người ta vẫn bảo “văn ôn, võ luyện” mà… Bên cạnh đó, nếu chỉ tự nghiên cứu kiến thức hoàn toàn tại nhà, các con có thể sẽ gặp khó ở nhiều kiến thức. Vì vậy, theo tôi, việc học trực tuyến trong giai đoạn này là thực sự cần thiết. Chúng tôi luôn sẵn sàng ủng hộ”.
Trao đổi với PV Đời sống &Pháp luật, chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” cũng nhận định: “Theo quan điểm của tôi, không ai có thể lường trước những trường hợp như thế này, dịch bệnh hoành hành, việc học sinh nghỉ học dài ngày là điều không tránh khỏi. Là một phụ huynh, tôi cũng rất ủng hộ phương châm của bộ GD&ĐT: “Tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học”.
Và tôi cũng cho rằng, trong giai đoạn này, khi cả nước đều đang hướng đến “chống dịch như chống giặc”, chắc chắn giáo dục cũng là một “mặt trận”, và phụ huynh phải là những người đồng hành sát sao trong cuộc chiến này”.
Cơ hội từ thách thức và câu hỏi cho bộ GD&ĐT
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Trước tình hình này, để đảm bảo duy trì việc học trực tuyến, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Để sự học diễn ra thực chất ở nhà, gia đình phải tạo điều kiện cho con về cơ sở hạ tầng (có máy tính, có điện thoại, có mạng); cần có một thời gian biểu, thời khóa biểu chặt chẽ, động viên việc học của con. Gia đình phải chủ động tìm hiểu thời khóa biểu, lịch trình của các con để phối hợp với nhà trường.
Bên cạnh đó, phía nhà trường phải đảm bảo các trang thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến, nếu không có khả năng thì phải có phương án dạy gián tiếp thông qua các video. Ngoài ra, nhà trường phải có kênh thông tin đến học trò, tốt nhất là có sự tương tác giữa thầy với trò, giữa các trò với nhau… Như vậy, khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên chỉ cần kiểm tra, đánh giá chất lượng, không cần “dò lại” kiến thức từ đầu, vừa tiết kiệm thời gian vừa giúp học sinh không bị “mất nếp” từ trước”.
“Đối với các học sinh cuối cấp, nhà trường và học sinh cần một sự phối hợp chặt chẽ hơn, bản thân học sinh cũng không thể chỉ trông chờ vào bài giảng của thầy cô, mà phải chủ động tìm hiểu kiến thức qua những cuốn sách, tài liệu, các nguồn thông tin khác…
Khi bộ GD&ĐT cũng cấp bộ đề thi minh họa, các nhà trường cần nhanh chóng xây dựng ngân hàng đề thi minh họa tương tự, giúp học sinh luyện đề.
Nhân đây, tôi nghĩ rằng, cũng là một cơ hội để học sinh rèn kỹ năng tự học, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Từ trong cái khó để ló ra cơ hội”, GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” cũng bày tỏ: “Tôi ủng hộ quyết định của bộ GD&ĐT, nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Bộ không thể chỉ khẳng định sẽ không lùi thời điểm và tăng cường học trực tuyến, mà cần có những kế hoạch cụ thể, rõ ràng.
Hiện tại, đang có thực trạng, không thống nhất và đồng bộ nội dung dạy học trực tuyến giữa các vùng miền hoặc giữa các trường trong cùng khu vực. Có trường giảng kiến thức mới, giao nhiều bài tập để rèn luyện, nhưng cũng có trường chỉ đưa bài tập của kiến thức cũ, như vậy, nội dung kiến thức sẽ không đồng bộ trong cả nước, sẽ gây ra sự bất công trong các kỳ thi chung.
Tại sao trong lúc này, Bộ không có những chủ trương cụ thể và triển khai đồng bộ để giảm áp lực, tạo sự công bằng trong các kỳ thi sắp tới?”.