Trong giai đoạn chuyển mùa, các bệnh dị ứng, bệnh lây truyền do virut gia tăng, ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người. Thậm chí, chỉ cần sự thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ và gió cũng có thể gây kích ứng đường thở và mũi, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch vốn có nhiệm vụ chống lại cảm lạnh và nhiễm khuẩn…
Nghiên cứu cho thấy cảm lạnh thường tăng lên khi nhiệt độ thấp đi, nhiệt độ môi trường chênh lệch khoảng 7 độ là đủ gây rối cho hệ thống phòng thủ của cơ thể. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ cảm cúm lại tăng khi nhiệt độ đột ngột giảm. Vậy làm gì để ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh khi thời tiết thay đổi? Những bài tập dưới đây không những giúp gia tăng sức khỏe mà còn giúp đẩy lùi tác động tiêu cực của chứng dị ứng, cảm cúm và hen suyễn.
Các bài tập, đặc biệt những động tác đòi hỏi hít thở sâu có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Đa số những người tập đều đặn đều nhận định họ được tăng cường hô hấp và cải thiện trao đổi khí qua vòm họng. Ngoài ra, những bài tập thở còn giúp thả lỏng các nhóm cơ lồng ngực, làm tăng kích thước phổi và cải thiện tuần hoàn, trao đổi chất.
Trước khi tập, bạn cần vệ sinh họng – mũi. Khi đã sẵn sàng, hãy bắt đầu với các động tác dưới đây một cách chậm rãi và từ tốn.
1.Tư thế chiến binh:
Tư thế này giúp vùng ngực và phổi của bạn mở rộng tối đa, đẩy không khí vào trong cơ thể nhiều hơn.
Đứng thẳng, để hai tay thả lỏng.
Bước lên trước một bước dài sao cho chân bước lên tạo thành một góc vuông ở đầu gối. Chân còn lại giữ trạng thái vắt chéo.
Đưa hai tay thẳng lên trời và ưỡn ngực hết cỡ.
Hít vào và thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại 10 lần. Đổi chân và thực hiện động tác từ đầu.
2.Tư thế nửa vầng trăng:
Tư thế này giảm nhẹ tác động của các vấn đề dị ứng hay xoang bởi việc thả lỏng nhóm cơ xương sườn và tăng cường hoạt động vùng cơ ngực. Bạn sẽ thấy rõ hiệu quả của động tác này nếu đang gặp hiện tượng đau đầu, sổ mũi hay chảy nước mắt.
Đứng thẳng.
Dồn trọng tâm sang một chân và nghiêng về chân đó.
Nghiêng người hẳn sang một bên sao cho phần thân song song với mặt đất.
Dùng lực của eo đẩy chân còn lại lên cao ngang với thân người. Giữ chân đó thăng bằng trên không.
Kéo căng hai tay sao cho một bên chạm sát sàn, một bên hướng lên trời. Giữ nguyên tư thế đó trong vòng 3-5 phút và duy trì nhịp thở đều đặn.
Lặp lại với chân bên kia.
3.Tư thế vai đứng:
Tư thế này có tác dụng mở rộng khoang mũi và làm giảm nhẹ triệu chứng viêm xoang.
Nằm thẳng, tránh ngoẹo đầu và cổ sang một bên. Đặt một tấm chăn xuống lưng sao cho phần xương bả vai được tấm chăn đỡ.
Khi thở ra, dùng hai tay đẩy phần hông từ dưới lên cao.
Tiếp tục đưa chân lên trời cho tới khi hình thành đường thẳng.
Đẩy phần ngực sát gần cằm, dồn toàn bộ trọng tâm vào hai tay.
Giữ nguyên vị trí trong vòng 30 giây. Sau khi thuần thục động tác này, hãy tăng thêm thời gian lên 5-10 giây mỗi nhịp. Con số này có thể lên đến tối đa 3 phút. Để dừng lại, gập đầu gối và hạ chân xuống nhẹ nhàng khi bạn thở ra. Toàn thân bạn sẽ trở lại thẳng dưới sàn nhà như lúc bắt đầu động tác.
4.Tư thế cái cày:
Tư thế này thường được thực hiện sau tư thế vai đứng và trong khoảng 5 phút.
Từ vị trí khi cằm vẫn chạm ngực ở tư thế trước, nhẹ nhàng thở ra và dùng cơ hông đẩy 2 chân vòng qua đầu. Chậm rãi đẩy toàn bộ chúng cho đến khi hoàn toàn chạm xuống sàn.
Giữ những ngón chân trên sàn, thả lỏng tay thẳng theo hướng nằm, hai bàn tay đan vào nhau.
Giãn cơ tay thay chiều cơ thể để kích thích nhóm cơ thân trên thả lỏng.
Để dừng lại, nhẹ nhàng gập chân về vị trí cũ đồng thời thu hai tay lại sát cơ thể.