Khi trẻ con bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, bé thường có thái độ chống đối ý kiến của người lớn. Trước thái độ không tốt của con, bố mẹ luôn tìm cách phạt bé nhưng không phải đứa trẻ nào cũng tâm phục.
Dưới đây là 5 cách phạt con khiến bé nghe lời mà không chống đối.
1. Không phạt nếu con không có ý định xấu
Trong nhiều tình huống, trẻ em không định làm hại bất cứ ai mà chỉ là muốn khám phá mọi thứ. Và khi một đứa trẻ đang cố gắng học hỏi, chúng nên được hỗ trợ ngay cả khi hành động dẫn đến những điều tồi tệ.
Lúc này, nhiệm vụ của bạn là thông cảm và cho con biết cần làm gì để khắc phục tình hình. Nếu áp dụng hình phạt vì một tai nạn nào đó, cha mẹ có thể khiến con trở thành người thiếu quyết đoán và khi trưởng thành sẽ không thể đưa ra quyết định của riêng mình và là người vô trách nhiệm.
2. Gợi ý và yêu cầu là những điều khác nhau
Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng giáo dục truyền thống là đúng bởi họ cũng được cha mẹ mình giáo dục theo cách tương tự. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai cách nói: “Có lẽ con không nên chơi game!” và “Không được chơi game!”. Cách đầu tiên là gợi ý còn cách thứ hai là mệnh lệnh, yêu cầu. Bạn chỉ nên phạt con khi đã đưa ra mệnh lệnh mà chúng không thực hiện.
3. Việc phạt con không nên có yếu tố cảm xúc cá nhân trong đó
Khi con không vâng lời, một số cha mẹ không kiểm soát được hành động, cảm xúc và có thể phạt con trong khi giận dữ. Việc giận dữ rồi la hét, mắng mỏ con có thể khiến chúng gặp một số vấn đề trong tương lai như bị phụ thuộc vào những người có địa vị cao trong xã hội.
4. Không phạt con công khai
Việc bạn phạt con ở chỗ đông người, nơi công cộng khiến trẻ xấu hổ và tức giận. Chúng sẽ luôn cảm thấy nhục nhã và không muốn tình huống này lặp lại. Và đến khi trưởng thành, những đứa trẻ có thể trở thành người hoàn toàn dựa vào ý kiến của đa số vì không thể tự đưa ra quyết định.
5. Nếu các ông bố bà mẹ đã dọa phạt con thì nên thực hiện
Nếu đã nói sẽ phạt con, bạn nên làm điều đó vì việc bạn thất hứa còn tồi tệ hơn nhiều việc đưa ra hình phạt. Khi bạn nói mà không làm, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra và không còn e ngại gì mỗi khi nghe bạn mắng mỏ, dọa nạt.
Ảnh sưu tầm
M.H t/h