Trẻ nhút nhát có thể do bẩm sinh nhưng phần nhiều lại ảnh hưởng từ gia đình và các tác động bên ngoài. Bố mẹ cần tăng cường giúp trẻ làm 3 việc này để lấy lại tự tin và can đảm cho trẻ.
Nguyên nhân khiến con của bạn trở nên nhút nhát:
Thói quen dọa nạt của người lớn
Trẻ con còn nhỏ thường hay nghịch ngợm và ít nghe lời, chính vì điều này mà người lớn khi chăm sóc, dạy dỗ dễ bị mất kiên nhẫn và la mắng, dọa nạt trẻ. Các chuyên gia tâm lý trẻ em luôn cảnh báo rằng: Hành vi này của bố mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách và tâm lý của trẻ.
Tâm hồn trẻ còn rất non nớt, những lời hăm dọa của người lớn sẽ tạo ra cái bóng tiêu cực và khiến trẻ ngày càng sợ sệt, nhút nhát. Đôi khi bạn nghĩ rằng dọa một chút chỉ là đùa với trẻ nhưng tác động hoàn toàn ngược lại, trẻ không hề cảm thấy vui vẻ mà có thể bị giật mình, ám ảnh.
Cách giáo dục quá hà khắt
Dạy bảo con cái là trách nhiệm của bố mẹ và ai cũng mong con mình lớn lên sẽ là người giỏi giang, thành đạt. Tuy nhiên, bạn không nên vì sĩ diện của bản thân và áp đặt mong đợi quá lớn lên đôi vai bé nhỏ của con.
Nhiều ông bố, bà mẹ, thậm chí là ông bà luôn yêu cầu con cháu của mình rất khắt khe. Trẻ không được phép phạm bất cứ sai lầm nào dù nhỏ nhặt, nếu không sẽ bị la mắng, đánh đòn. Ngoài ra, khi bạn giáo dục con quá hà khắt và cực đoan sẽ làm mất tự do đáng được có của trẻ, đồng thời trẻ sẽ trở nên sợ hãi và thu mình lại, luôn trốn tránh và miễn cưỡng sống theo mọi sắp đặt của bố mẹ để không bị đánh mắng.
Yếu tố bẩm sinh
Nếu bố mẹ có tính cách hướng nội, không giỏi giao tiếp thì rất nhiều khả năng có thể di truyền cho trẻ đặc điểm này. Vì vậy, người lớn nên thấu hiểu cá tính của con để có hướng dẫn dắt phù hợp, giúp trẻ dần dần cải thiện lòng tự tin.
Nếu phát hiện con có xu hướng nhút nhát, bố mẹ nên tích cực làm 3 việc này để giúp trẻ cải thiện:
Đưa trẻ ra ngoài nhiều hơn
Tuy trẻ luôn sợ hãi và không thích tiếp xúc với người hay sự vật, sự việc xa lạ nhưng bố mẹ không nên vì thế mà ngày càng bao bọc trẻ. Hành vi này sẽ càng khiến trẻ thu vào thế giới riêng và không có cơ hội bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết.
Bố mẹ nên sắp xếp thời gian đưa trẻ ra ngoài nhiều hơn, khuyến khích trẻ giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa và cả người lớn xung quanh. Bạn cũng nên chú ý chọn quần áo chỉnh tề, thoải mái để giúp trẻ tăng tự tin. Nếu cho trẻ hoạt động ngoài trời, bạn nên mua giày vừa chân để giúp trẻ dễ dàng vui chơi hơn.
Đừng quên khích lệ trẻ
Nếu cứ luôn bị bố mẹ la mắng, chê bai thì trẻ sẽ ngày càng mất tự tin và nhút nhát. Vì vậy, những lời khen ngợi và động viên từ người lớn chính là liều thuốc kích thích tinh thần cho trẻ nhỏ. Có thể lúc đầu trẻ không tự tin làm việc gì đó, nhưng sau vài lần được tán dương, được thưởng theo hướng tích cực, chắc chắn trẻ sẽ giảm bớt căng thẳng và cởi mở hơn.
Hãy dành cho trẻ được quyền quyết định
Nhiều bố mẹ thương con theo kiểu thay con làm mọi thứ. Hành vì này vô tình làm mất cơ hội để trẻ học hỏi và rèn luyện tính tự lập. Do đó, nếu không muốn trẻ ngày càng rụt rè, yếu đuối thì bố mẹ nên cho con có quyền quyết định ở một mức độ cho phép.
Chẳng hạn, bố mẹ hãy để trẻ được chọn món đồ chơi yêu thích hoặc chọn bộ quần áo mà trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Khi được lựa chọn theo chủ kiến của mình, trẻ sẽ biết mình được tôn trọng và có năng lực riêng. Trong trường hợp trẻ làm sai, bạn cũng nên nhẹ nhàng giải thích và hướng dẫn trẻ.
Theo Emdep.vn