5 lời khuyên cải thiện kỹ năng giao tiếp ứng xử từ các nhà lãnh đạo nữ thành công như Oprah Winfrey, Michelle Obama giúp bạn hướng tới những nấc thang thành công mới trong sự nghiệp.
Nội dung bài viết
- Luyện giọng nói to rõ, mạnh mẽ
- Không sử dụng từ đệm
- Làm chủ không gian
- Vào thẳng vấn đề, nói đúng trọng tâm
- Tách biệt cảm xúc với cách trả lời
Phụ nữ thường hay “lép vế” trước đàn ông khi muốn khẳng định khả năng của mình ở chốn công sở. Điều này dường như không còn đúng bởi giờ đây họ đã cải thiện rất nhiều về kỹ năng giao tiếp ứng xử theo những lời khuyên hữu ích.
Luyện giọng nói to rõ, mạnh mẽ
Giọng nói là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kĩ năng giao tiếp ứng xử. Phái yếu có thể tăng sức mạnh lời nói của mình thông qua sự thuyết phục mạnh mẽ từ giọng nói. Có 3 yếu tố giúp đạt được điều này, đó là: cao độ, độ phóng âm và tốc độ.
Ở môi trường làm việc, nơi thường thống trị bởi phái mạnh, giọng nói nhỏ nhẹ, đặc trưng của phụ nữ có thể làm bạn yếu thế. Với chất giọng tự nhiên cao hơn đàn ông, để tạo ấn tượng mạnh mẽ, phụ nữ nên học cách hạ tông để giọng được trầm, uy quyền hơn.
Để có tông giọng mạnh mẽ hơn, bạn có thể tự tập theo 3 cách đơn giản sau:
- Tăng âm lượng, mở miệng to, đẩy giọng thoát khỏi vòm miệng. Bạn cần tập luyện để giọng đạt được độ to rõ ổn định, không bị đứt quãng, thiếu hơi. Tránh tạo cảm giác như đang hét hay la vào mặt người đối diện.
- Kết thúc câu dù là câu nghi vấn hay cảm thán với tông giọng thấp hoặc cùng cao độ. Tránh đẩy tông cao lên ở cuối câu.
- Khi cần nhấn mạnh, hãy nói chậm. Đừng vội chuyển nội dung từ luận điểm này sang luận điểm khác quá nhanh khiến người nghe dễ bối rối.
Không sử dụng từ đệm
Trong những cuộc giao tiếp hàng ngày, chúng ta thường có thói quen sử dụng các từ đệm như “à, thì là, mà”… Thói quen này nếu tiếp tục sử dụng ở bối cảnh công sở, trong giao tiếp hay hội họp sẽ khiến người nghe ngộ nhận rằng bạn có sai sót hay điều gì lúng túng nên mới có biểu hiện ngập ngừng, không rõ ràng như vậy.
Để bỏ thói quen này, trong mỗi cuộc giao tiếp, hãy thực hiện hai bước sau:
- Tìm từ đệm bạn hay sử dụng bởi bạn không thể thay đổi thói quen nếu bạn không nhận ra nó. Ghi âm lại những bài phát biểu lúc mình luyện tập để nghe lại và phát hiện những từ đệm.
- Tiếp đến, hãy tập dừng lại đột ngột mỗi khi tập nói. Khi bạn tạm dừng nói, bạn sẽ tự nhiên phát hiện ra các từ đệm một cách vô thức. Ghi âm lại rồi tập dừng mà không chủ ý phát những từ này. Tiếp tục thử thách bản thân bằng cách tạm dừng với thời gian lâu hơn để cơ thể làm quen và hạn chế sử dụng những từ dư thừa.
Làm chủ không gian
Phụ nữ khi nói chuyện thường thu mình lại bằng cách khoanh tay hay chéo chân. Cử chỉ này vô tình làm yếu đi hình ảnh của họ, khiến lời nói của họ dù nội dung truyền tải rất tốt nhưng không được mạnh mẽ, không mang lại tác động như mong muốn.
Bạn có thể thay đổi thói quen này bằng cách tập mở rộng khuỷu tay khi làm các hành động thường ngày như lái xe, đánh máy hay tư thế đứng ngồi bình thường.
Vào thẳng vấn đề, nói đúng trọng tâm
Phái yếu hay có thói quen nói chuyện vòng vo. Thay vì dông dài ở phần mở bài, bạn hãy nhanh chóng đi vào các luận điểm của mình. Đồng thời các luận điểm, luận cứ, ví dụ cũng nên được sắp xếp sát nhau để đảm bảo tính logic, hiệu quả của giải pháp bạn đề xuất. Đừng lan man dông dài mà không đi đến kết luận nhanh, gọn, rõ ràng.
Người nghe chỉ sẽ chú ý đến nội dung bạn nói khoảng 5 phút đầu. Càng dài họ càng mất tập trung. Nếu lời nói bạn không thu hút, nội dung không đúng trọng tâm ngay từ đầu, người nghe sẽ dễ dàng mất đi sự tín nhiệm vào bạn.
Tách biệt cảm xúc với cách trả lời
Một điểm yếu trong kỹ năng giao tiếp ứng xử mà phụ nữ hay mắc phải là để cảm xúc chi phối suy nghĩ và hành động. Khi đối thoại với đồng nghiệp, với sếp hay trong cuộc họp, nếu không tách biệt những suy nghĩ tiêu cực với câu trả lời, chúng ta sẽ rất dễ mất điểm trong mắt mọi người.
Để khắc phục bạn cần:
- Khi lên tiếng, nên dặn mình tập trung vào chủ đề chính. Ví dụ: “Chuyện gì đã xảy ra, làm thế nào để khắc phục, chúng ta cần làm gì?”. Để những câu nói diễn tả cảm xúc của mình qua một bên cho những lúc thích hợp hơn.
- Đừng tỏ ra bảo thủ, công kích hay cố gắng đổ lỗi cho người khác. Có thể bạn đạt được mục đích của mình ngay lúc đó nhưng những gì bạn mất đi sau này chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Kỹ năng giao tiếp ứng xử là yếu tố rất quan trọng để trở thành người lãnh đạo tài giỏi. Nếu đây là kỹ năng bạn còn thiếu sót thì hãy dành thời gian tập trung cải thiện nó từ bây giờ nhé.