Lầu xanh là tụ điểm giải trí hấp dẫn nhất thời phong kiến và không có chi phí cụ thể cho một cuộc dạo chơi ở đây.
Hàng nghìn năm trước khi Trung Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ phong kiến, do năng suất xã hội được nâng cao và sự phát triển của ngành nông nghiệp cổ đại, xã hội dần dần chuyển sang tư tưởng phụ hệ.
Cái gọi là nền tảng kinh tế quyết định địa vị gia đình, nam giới tạo ra nhiều của cải hơn phụ nữ, đã giúp địa vị gia đình của nam giới bắt đầu tăng lên và vai trò của phụ nữ bắt đầu thay đổi.
Lầu xanh hay thanh lâu, ngày nay thường gọi là nhà thổ, lần đầu tiên được thành lập bởi Quản Trọng (nhà chính trị nổi tiếng, Tể tướng của nước Tề thời Xuân Thu), với mục đích ban đầu là phục vụ các chư hầu từ nhiều quốc gia khác nhau, kiếm tiền chênh lệch từ đó nhằm gia tăng tài lực của nước Tề.
Vào thời Xuân Thu chiến Quốc, chư hầu các nước có năm thê bảy thiếp vốn là chuyện thường tình, tuy nhiên khi họ đi sứ sang nước khác vẫn cảm thấy nhàm chán, thiếu thốn tình cảm. Quản Trọng đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ đó và đã thành lập lầu xanh ở nước Tề, cũng được cho là lầu xanh đầu tiên ở Trung Quốc, để phục vụ các chư hầu.
Nhiều nước sau đó đã làm theo loại hình kinh doanh này, lầu xanh từ đó xuất hiện phổ biến trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, loại hình này không phải ai muốn cũng có thể trải nghiệm và nó chỉ dành cho những người nhiều tiền.
Các cô gái trong lầu xanh không chỉ xinh đẹp, dịu dàng mà còn phải thông thạo cầm-kỳ-thi-họa. |
Hầu hết phụ nữ làm việc trong lầu xanh đều sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và họ phải đi theo con đường này vì miếng ăn.
Tuy nhiên, không phải cô gái nào muốn là cũng được làm trong lầu xanh. Họ không chỉ cần thành thạo cầm-kỳ-thi-họa, mà còn phải đủ khả năng chịu được áp lực về cả thể xác lẫn tinh thần.
Mặc dù trải qua nhiều biến cố với sự thay đổi của các triều đại trong lịch sử nhưng loại hình lầu xanh vẫn luôn được bảo tồn và phát triển. Vào thời nhà Đường và nhà Tống, lầu xanh là điểm đến ưa thích của các vương hầu, tướng lĩnh thậm chí là cả những văn nhân, tú tài.
Các cô gái trong lầu xanh vô cùng tài hoa. Họ uống rượu làm thơ, giỏi ca hát nhảy múa, lại vô cùng dịu dàng xinh đẹp.
Liễu Vĩnh, một nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống, cũng rất thích lui tới chốn lầu xanh và sáng tác các khúc ca “trong hoa dưới nguyệt”.
Có thể kể đến những tác phẩm “Hạc xung thiên”, “Trường thọ lạc”, “Mê tiên dẫn”,… Ở đó, dựa trên quan điểm của một văn nhân bất đắc chí, ông mô tả cuộc sống của các kỹ nữ và bày tỏ sự cảm thông với họ.
Chi phí cho một tối dạo chơi ở lầu xanh là không hề nhỏ. |
Vậy chi phí dạo chơi một tối ở nơi phong nhã như vậy là bao nhiêu?
Có thể nói lầu xanh là tụ điểm giải trí hấp dẫn nhất thời phong kiến và không có chi phí cụ thể cho một cuộc dạo chơi ở đây.
Đầu tiên, là 1-2 lượng bạc hoặc những người nhiều tiền cũng có thể trả nhiều hơn cho người gác cửa.
Sau khi tìm được bàn, những món ăn nhẹ, rượu là thứ mà lãng khách bắt buộc phải gọi. Nếu muốn chỉ định riêng một cô gái xinh đẹp đến đàn hát, hầu rượu, thì cần bỏ thêm tối thiểu 50 lượng bạc. Con số này sẽ lớn hơn tùy thuộc vào giá trị của mỗi cô gái cũng như các hạng mục dịch vụ đi kèm.
Tương truyền, khuynh quốc danh cơ Trần Viên Viên – một trong Tần Hoài Bát Diễm (8 mĩ nữ tài đức,văn hay chữ tốt,cầm kì thi họa thời kỳ Minh-Thanh phân tranh), mỗi lần chỉ cầm đàn biểu diễn đơn giản là thu được 500 lượng bạc.
Năm xưa, Hoàng đế Sùng Trinh đã mua đứt Trần Viên Viên với giá 2.000 lượng bạc. Ngày nay, số tiền đó ước tính tương đương 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng). Nếu không vì quyền lực của hoàng tộc, con số này chắc chắn cao hơn rất nhiều lần.
Hoa Vũ (Theo Sohu)