Khi cơ quan điều tra tổ chức bắt quả tang một vụ đánh bạc, thường có rất đông người tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc và xem đánh bạc.
Trong thực tế có những trường hợp không tham gia đánh bạc mà chỉ ngồi xem, nhưng khi công an ập vào vây bắt thì vẫn bị bắt giữ và tịch thu tài sản có trong người. Theo quy định thì người ngồi xem đánh bạc có bị xử lý hay không?
Điều 26 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen… sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định, phạt tiền 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 đến dưới 50 triệu đồng…
Cũng theo khoản 2 điều này, phạt tù từ 3 đến 7 năm đối với người đánh bạc trái phép trong các trường hợp sau: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội đánh bạc có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Theo khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm với người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Theo khoản 2 điều này, phạt tù từ 5 đến 10 năm với người có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép trong trường hợp sau: Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, khi cơ quan điều tra tổ chức bắt quả tang một vụ đánh bạc, thường có rất đông người tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc và xem đánh bạc. Sau khi lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm giữ để điều tra làm rõ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả tài liệu xác minh, điều tra thu thập được:
Thứ nhất, nếu có đủ tài liệu xác định có tham gia đánh bạc (hoặc tổ chức đánh bạc) thì sẽ bị xử lý theo quy định của Điều 321 hoặc Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu hành vi đánh bạc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Thứ hai, nếu có đủ tài liệu xác định chỉ “đi xem đánh bạc” thì sẽ được trả tự do, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc (hoặc tổ chức đánh bạc). Tuy nhiên, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã vi phạm.
Bị tịch thu tài sản phải làm sao?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một trong các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội là tịch thu tang vật, tiền liên quan đến tội phạm.
Với tội đánh bạc, người tham gia đánh bạc đều bị tịch thu tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc được thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ trong người con bạc hoặc tiền, hiện vật thu giữ ở những nơi khác có đủ căn cứ đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
Trong trường hợp ngồi xem đánh bạc, khi có công an ập vào vây bắt, người xem đánh bạc cũng có thể bị tịch thu tiền, tang vật có trong người do có nghi ngờ đây là tang vật đánh bạc.
Do đó, người ngồi xem đánh bạc cần phải chứng minh mình không tham gia đánh bạc thì mới được hoàn trả lại tài sản.