Thiếu canxi trong thời gian dài khiến chúng ta gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Vai trò của canxi
Canxi chiếm 1,5-2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng; chỉ 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào.
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiều hoạt động chức năng của cơ thể. Nó giúp xương, răng chắc khỏe; điều chỉnh các cơn co thắt cơ, bao gồm cả nhịp tim và đảm bảo quá trình đông máu diễn ra bình thường.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi do đó nếu bị thiếu hụt canxi và vitamin D để hỗ trợ các chức năng quan trọng, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương. Theo Tiến sĩ Andrew Thornber, Giám đốc y tế của Now Patient, hiện tượng này gọi là mất xương.
Hiện tượng mất xương làm cho xương trở nên yếu và xốp. Trong một số trường hợp, thiếu canxi có thể dẫn đến co thắt cơ, đãng trí hoặc mất trí nhớ, móng giòn, nghiêm trọng hơn là dễ gãy xương hoặc loãng xương.
Những dấu hiệu chứng tỏ cơ thể đang thiếu canxi
Răng và xương yếu, móng tay dễ gãy: Canxi là thành phần chính của răng, xương, móng tay, móng chân vì thế khi cơ thể thiếu canxi những bộ phận này thường bị ảnh hưởng đầu tiên. Thiếu canxi làm ảnh hưởng đến mật độ xương, khi đó xương bị xốp, yếu và tăng nguy cơ loãng xương. Người thiếu canxi có thể gặp các vấn đề như răng bị ố vàng, sâu răng, gãy răng, có nguy cơ viêm nha chu. Thiếu canxi còn làm móng tay chân trở nên giòn, dễ gãy, xuất hiện đốm trắng bất thường.
Ngứa hoặc tê
Nếu thấy ngứa hay tê ở ngón tay, ngón chân hoặc môi bạn chớ nên coi thường vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần bổ sung canxi. Bên cạnh đó, cảm giác nóng rát quanh miệng hoặc co giật mặt cũng là biểu hiện của việc thiếu canxi cấp tính.
Một số triệu chứng khác bao gồm ngồi lâu một chỗ cảm thấy tay chân bị tê, mỏi lưng. Khi canxi trong đường huyết bị giảm xuống bạn có thể gặp phải hiện tượng hoa mắt chóng mặt, cảm giác đó chỉ diễn ra trong vài chục giây rồi trở lại trạng thái bình thường. Nếu tình trạng này xảy ra càng nhiều thì về già càng dễ bị loãng xương, thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ, thấp khớp, cao huyết áp và nhiều bệnh nguy hiểm khác
Lo lắng, dễ nổi cáu, mệt mỏi
Sự thay đổi cảm xúc có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu dinh dưỡng. Nếu thường xuyên cảm thấy lo lắng, chán nản, dễ nổi nóng hoặc cơ thể chậm chạp, uể oải thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu canxi, cần bổ sung ngay.
Tim đập nhanh
Canxi có tác dụng điều chỉnh quá trình co cơ, bao gồm cả sự co cơ ở tim. Canxi giúp gửi tín hiệu đến tim, đảm bảo tim co bóp đều đặn để bơm máu đi khắp cơ thể. Do đó thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng nhịp tim bất thường như loạn nhịp tim, tim đập nhanh. Nguy hiểm hơn thiếu canxi quá mức có thể làm cơ tim hoạt động kém hiệu quả trong việc co bóp và bơm máu, từ đó gây ra suy tim.
Chuột rút
Chuột rút là một trong những biểu hiện ban đầu của thiếu canxi. Các cơn co thắt cơ bắp, đặc biệt ở đùi, cánh tay, nách trong khi đi bộ hay vận động có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi.
Mất ngủ
Ít người biết rằng mất ngủ là một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu canxi. Thực tế canxi có vai trò quan trọng trong việc sản xuất melatonin, loại hormone giúp chúng ta ngủ ngon. Vì thế, khi cơ thể thiếu canxi, giấc ngủ của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, người thiếu canxi vẫn ngủ nhưng giấc ngủ không đủ sâu, thức dậy cảm thấy mệt mỏi.
Hệ miễn dịch suy giảm
Thiếu canxi gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng ngăn ngừa virus, vi khuẩn. Thiếu canxi không chỉ khiến xương, răng yếu đi mà còn khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt tăng lên
Trước mỗi kỳ kinh nguyệt bạn có thể gặp phải những triệu chứng như đau ngực, đau lưng, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, đau cơ, căng thẳng, mất tập trung … Tuy nhiên nếu những triệu chứng này xuất hiện nhiều hơn thường lệ có thể là do thiếu canxi, chúng sẽ giảm đi nếu bạn cung cấp đủ canxi theo nhu cầu của cơ thể.
Những việc cần làm để hạn chế nguy cơ thiếu canxi
Cách an toàn và dễ dàng nhất để ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi là bổ sung canxi vào chế độ ăn uống. Một số thực phẩm giàu canxi có thể kể đến các sản phẩm từ sữa, quả sung, bông cải xanh, hải sản, đậu phụ, ngũ cốc, các loại hạt và hạt,…
Lượng canxi được khuyến nghị hàng ngày trong chế độ ăn là 1.000 mg cho người từ 19 – 50 tuổi, trong khi trẻ em, thanh thiếu ni
ên và người lớn tuổi cần nhiều hơn.