Hầu hết cha mẹ đều mong muốn con cái có thể trở thành người tự tin. Tuy nhiên, một số cách giáo dục của cha mẹ đôi khi lại khiến trẻ cảm thấy mình thấp kém, ngày càng rụt rè, kém tự tin.
Bố mẹ nào cũng mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái nhưng không may thay, có nhiều lúc những lời nói ra lại không được đúng chỗ, đúng thời điểm mà chúng ta còn không nhận ra.
Để nuôi dạy trẻ lớn lên với sự tự tin, bố mẹ hãy tránh nói với con nhưng câu có khả năng gây tổn thương và tổn hại sau đây.
“Việc nhỏ thế này cũng làm không xong, đừng mang phiền phức đến cho mẹ”
Một cô bé 9 tuổi, vì muốn giúp bố mẹ nấu cơm. Nhưng vì còn nhỏ và chưa rành việc nhà nên bé đã quên cho nước vào nồi cơm nên bị cháy đen.
Người mẹ bực tức đổ lỗi cho con khiến bà phải dọn dẹp mớ hỗn độn này: “”Mẹ đã có thể nấu ăn cho cả gia đình khi mẹ bằng tuổi con, con bao nhiêu tuổi rồi? Việc nhỏ này cũng làm không xong, nếu vậy thì cũng đừng mang đến phiền phức cho mẹ”. Câu nói này khiến cô bé cảm thấy rằng mình đã thực sự thất bại.
Cha mẹ hãy nhớ rằng, trẻ nhỏ thua kém người lớn ở kỹ năng, sự nhanh nhạy và mức độ chính xác. Vì thế, câu nói “việc nhỏ này cũng làm không xong” sẽ khiến trẻ cảm thấy rất tệ, và nghĩ rằng trong mắt cha mẹ mình thực sự vô dụng. Thay vì thể hiện năng lực của bản thân, trẻ sẽ chọn cách lùi lại phía sau vì nghĩ rằng mình không thể làm tốt.
“Tại sao nuôi con lại tốn kém như vậy?”
Mặc dù không có ý xấu, và chỉ muốn trêu chọc con nhưng khi trẻ nghe thì không nghĩ như vậy. Các bé sẽ cảm thấy mình chính là nguyên nhân dẫn tới sự khó khăn của bố mẹ. Trẻ cũng nghĩ rằng mình đã trở thành gánh nặng của cha mẹ, do đó thường xuyên bị cha mẹ từ chối.
Câu nói nói sẽ làm đứa trẻ sợ phải tiêu tiền, kìm nén nhu cầu bình thường của trẻ và tạo ra tâm lý “Con không xứng đáng có những điều tốt đẹp”.
“Còn xa lắm con”
Nhiều cha mẹ thường cho rằng, việc khen ngợi có thể khiến trẻ tự mãn, vì vậy luôn giữ tâm lý phải khiêm tốn mới giúp con tiến bộ. Thay vì khen con, cha mẹ sẽ nói “Còn xa lắm con” để khuyến khích trẻ chăm chỉ hơn.
Nhưng, trái với suy nghĩ của cha mẹ, trẻ rất hào hứng và hi vọng nhận được lời khen ngợi. Vì vậy, sự khích lệ của bố mẹ theo cách này như thể đang phủ nhận mọi sự cố gắng của con. Điều này không chỉ làm tổn thương, giảm đi sự tự tin mà còn khiến trẻ sinh ra tâm lý ghét bố mẹ.
Dó đó, cha mẹ nên chú ý đến những lời nói và hành động với trẻ, nếu không sẽ vô tình khiến trẻ đánh mất sự tự tin mà không hay biết.