3 đứa trẻ bán vé số phụ bà nuôi ông

12h trưa, xấp vé số của thằng Vinh vẫn còn hơn 40 tờ, cái Ánh em nó mỏi quá ngồi bệt xuống vỉa hè nóng ran. Thằng bé 11 tuổi khom lưng bảo em: “Lên anh cõng”.

Cái Ánh choàng hai tay qua cổ, gục đầu trên vai anh thở mệt. Dưới bóng chiếc mũ lưỡi trai rách, mồ hôi lấm tấm trên mặt, thằng Vinh cố cõng em quay lại điểm hẹn để bà nội đến đón. Từ lúc ông nội nằm liệt giường đến nay, thằng bé đã quen với việc cầm xấp vé số, dắt em đi bán dạo khắp nơi. Bà nội nó tên Lê Mỹ Hồng, 58 tuổi, cũng muốn bán thay cháu nhưng vì chồng nằm liệt lại thêm một đứa cháu ngoại bệnh tật khù khờ nên phải ở nhà túc trực thường xuyên.

Năm thằng Vinh lên 6, cha mẹ nó bỏ nhau rồi mỗi người đều lập gia đình riêng nên Vinh về ở với ông bà nội. Cùng bám víu vào ông bà còn có ba đứa cháu ngoại là bé Tú Nguyên 10 tuổi, Mỹ Ngọc 7 tuổi và Mỹ Ánh 5 tuổi. Mẹ của 3 đứa bỏ đi biệt tích từ ba năm trước nên đám con dại cùng tụ về căn nhà trọ ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Tú Nguyên bị xuất huyết não từ lúc 4 tháng tuổi, chậm nói, thường hay lên cơn co giật. Ông nội Lê Quang Vân, 62 tuổi, bị tai biến 5 năm trước, mất sức lao động, đến nay thì nằm liệt một chỗ. Bà Hồng vừa chăm chồng, vừa chăm đứa cháu ngoại nên đành nghỉ việc ở xưởng phế liệu, hàng ngày lấy vé số về bán. Thấy bà cực, mấy đứa cháu cũng tranh đi bán cùng để có tiền mua thức ăn và mua thuốc cho ông.

Những đứa trẻ thích đi bán vé số để phụ bà, riêng Tú Nguyên bị xuất huyết não từ 4 tháng tuổi thường xuyên co giật phải ở nhà. Ảnh: Diệp Phan.

Sáng nay, Vinh và Ánh cầm 100 tờ vé số đi bán như mọi khi. Mải bán, hai đứa quên mất đã đến giờ cơm trong khi đường về nhà còn gần 2 km nên cậu bé gọi điện cho bà đi xe đến đón.

Bữa trưa nay có nhiều thức ăn chay được một ngôi chùa cạnh nhà cho, bà Hồng mua thêm vài con cá đồng kho mặn. Nghe tiếng xe từ đầu ngõ, con bé Mỹ Ngọc chạy ra bếp dọn cơm đợi sẵn. Bà Hồng dạy Ngọc: “Anh hai với em Ánh đi bán mệt rồi thì con ở nhà phải biết lo dọn dẹp, trông chừng chị”. Vì vậy chỉ mới 7 tuổi, Kim Ngọc thay thế chị Tú Nguyên làm hết mọi việc từ nấu cơm, rửa chén đến lau nhà.

Vinh vét vội chén cơm rồi xin bà mở xem bộ phim hoạt hình yêu thích, vừa xem mấy anh em vừa bàn luận. Từ ngày được một người tốt bụng tặng chiếc tivi nhỏ, cuộc sống của 4 anh em Vinh rộn ràng hơn. Thấy chú cảnh sát trong tivi bắt cướp, Vinh nói với bà nội: “Lớn lên con cũng muốn làm cảnh sát”. Cạnh bên, bà Hồng đang đút cơm cho chồng nằm trên chiếc giường xếp cười trừ nói với cháu: “Không biết chữ mà đòi làm cảnh sát”.

Vừa dứt lời, quay sang thì thấy hai hàng nước mắt của ông Vân chảy dài. Bà Hồng mắt cũng đỏ hoe khi nghĩ đến ước mơ đến trường của các cháu mờ mịt khi còn chạy ăn từng bữa. “Ông ấy không đi được nhưng đầu óc vẫn còn tinh lắm, nghe chuyện đều biết hết. Có lúc nghe các cháu nói chuyện rồi òa khóc nức nở”, bà Hồng kể.

Bà Phạm Thị Mỹ Vân, 55 tuổi, chủ xưởng phế liệu ở xã Vinh Lộc B kể: “Vợ chồng chị Hồng làm trong xưởng phế liệu của tôi hơn 13 năm, làm rất chăm chỉ. Kể từ ngày bắt đầu nuôi Tú Nguyên bị bệnh, mẹ bỏ rồi lần lượt 3 đứa nữa chị ấy bắt đầu khó khăn. Trước đây bà cháu ở trong xưởng, nhưng thấy chồng nằm một chỗ phiền mọi người nên chị ấy xin tôi dọn ra ở trọ”.

Mỗi ngày, bà Hồng lấy 150 tờ vé số. Buổi sáng, bà cháu phụ nhau đỡ ông Vân dậy vào nhà vệ sinh, tắm rửa rồi đẩy ông trên chiếc xe lăn ra đầu đường, đứng dưới tán cây bán cho những khách quen. Ba anh em Vinh ở nhà trông chừng Tú Nguyên. Đến khoảng 9h, nắng bắt đầu gắt, ông Vân ở ngoài nắng lâu sẽ lên cơn co giật nên bà đẩy ông về nhà khi mới bán được khoảng 50 tờ vé số. Số còn lại là nhiệm vụ của Vinh và hai cô em nhỏ.

Tuy chưa từng được đi học, nhưng Vinh biết đếm vé số, cậu bé cũng biết cộng trừ để thối lại tiền thừa cho khách. “Họ mua 3 tờ mà đưa 200 nghìn thì con thối lại một tờ 100, một tờ 50 và một tờ 20”, Vinh khoe cách thối tiền của mình.

Mấy anh em chưa bao giờ bị giật vé số, nhưng thỉnh thoảng cũng bị mấy đứa trẻ lớn hơn giả vờ mượn xấp vé xem rồi rút bớt một hai tờ. Có hôm vừa về nhà, tuy không khóc nhưng mặt buồn so, thằng Vinh nói với bà nội: “Con nhớ trong túi có hai tờ 200 nhưng sao giờ chỉ còn một”.

“Thấy cháu cứ ngồi nghĩ bần thần, tôi bảo cháu nay mất thì mai mình làm lại sẽ có, đừng buồn nhiều. Tôi không rầy la cũng không đánh cháu vì như thế cháu sẽ sợ, sẽ giấu tôi nhiều chuyện khác nữa”, bà Hồng kể.

Những đứa trẻ ham chơi, nhiều lúc bán hết sớm nhưng không về nhà. Sau trận mưa chiều, mấy đứa trẻ rủ nhau tìm đến những con rạch nhỏ tìm bắt cá, bắt ếch. Bà Hồng nghe hàng xóm mách chạy đi tìm, dọa sẽ đánh nếu còn đi chơi gần kênh rạch. “Không có cha mẹ đôi lúc nói chúng nó không biết nghe. Cực khổ gì bà cháu cũng vượt qua nhưng lỡ không may làm 'mất cháu' chắc tui không sống nổi. Dù cực khổ nhưng bà cháu có nhau cũng vui”, bà Hồng tâm sự

Mỗi ngày bà cháu bán kiếm được hơn 150 nghìn từ việc bán vé số. Trừ tiền ăn, tiền trọ, tiền thuốc cho ông, những đứa trẻ không dám nghĩ tới việc được đi học dù rất thích. Ảnh: Diệp Phan.

2h chiều, cô út Ánh đã ngủ thiếp trên sàn từ lâu. Vinh sực nhớ tới hơn 40 tờ vé số vẫn chưa bán hết, tắt ti vi rồi ngồi bật dậy, đội nón đi bán tiếp. “Anh hai cho em đi với, ở nhà buồn”, Ngọc vừa nói, vừa đi như chạy đến lấy chiếc túi vé số đeo lên vai, đội chiếc nón vải ra cửa mang dép chờ anh
. Tuy chẳng phụ anh hai nhiều trong việc bán vé số nhưng hai chị em Ngọc, Ánh rất thích cùng anh đi bán.

Bà Hồng không dạy, nhưng những đứa nhỏ biết mời khách rất lễ phép chứ không bán kiểu sỗ sàng. Bà dặn những đứa cháu, ai cho gì thì khoanh tay cám ơn, anh hai ở đâu thì em ở đó, người lạ rủ đi đâu cũng từ chối.

Tuy vất vả nhưng Vinh và hai em chưa bao giờ than cực với bà. Ai hỏi cũng bảo “con không mệt”. Những đứa trẻ rất thích đi bán vé số vì sợ không có tiền mua thức ăn và mua thuốc cho ông. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chỗ làm cũ của bà Hồng gọi bà ra lấy gạo. Vinh nói với bà nhà có gạo rồi, bà đừng đi lỡ lây bệnh không ai nuôi tụi cháu.

Bà Mai Hạnh, 66 tuổi, một người bán nước gần chùa Phật Cô Đơn, đường Mai Bá Hương, nơi lũ trẻ thường bán vé số cho biết: “Tụi nhỏ ngoan lắm, khách viếng chùa đông nên mấy đứa bán cũng hết nhanh. Thỉnh thoảng có những người làm từ thiện phát đồ ăn, cho tiền nhưng chúng nó không bao giờ chen lấn chụp giật, ai cho thì lấy”.

Related Posts

Cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn từ các clip giải trí dành cho trẻ em

Thời gian qua, các clip giải trí được đăng tải trên các nền tảng xã hội như facebook, youtube gia tăng một cách nhanh chóng, trong đó, số lượng clip…

Read more

Cô dâu tử vong trong ngày cưới vì than khóc quá nhiều

Một cô dâu ở Ấn Độ đã khóc rất nhiều trong đám cưới của mình rồi đột ngột ngất xỉu và qua đời do trụy tim. Ảnh minh hoạ Một…

Read more

Mùa xuân cổ tích đến với chàng trai “Nick Vujicic của Việt Nam”

Tai nạn điện giật làm chàng sinh viên mất đôi tay. Trong lúc điều trị, anh được một người đàn ông mất đôi tay khác gần gũi, động viên và…

Read more

Vừa hết Tết tôi đề nghị chồng: “Chúng ta ly dị đi” và phản ứng của anh khiến tôi hoảng sợ vô cùng

Suốt 3 ngày Tết ở nhà chồng mà tôi ngột ngạt chán nản về cuộc sống vô cùng, không hiểu mình lấy chồng để làm gì nữa. Vợ chồng tôi…

Read more

Bí mật cách tránh thai của phi tần trong cung, kỹ nữ lầu xanh

Sinh con, làm mẹ là thiên chức trời ban cho người phụ nữ. Tuy nhiên vào thời phong kiến, gái lầu xanh và nhiều cung tần mỹ nữ không muốn…

Read more

Bí mật nụ hôn tuổi già

Có lần tôi bắt gặp một nụ hôn bên trong khung cửa. Đó là nụ hôn ông nội đặt lên đôi má nhăn nheo của bà. Tận sau này tôi…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *